MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Một gian trưng bày tại cuộc thi khoa học kỹ thuật. Ảnh: LĐO

Học sinh thi khoa học kỹ thuật: Hãy chăm gốc trước, hái quả sau

QUANG ĐẠI LDO | 11/04/2022 12:16

Nghịch lý trong việc tổ chức khi khoa học kỹ thuật dành cho học sinh hiện nay là chương trình nặng về lý thuyết, xa rời thực tế, trong khi các đề tài dự thi lại quá cao siêu, không liên quan quá nhiều đến cuộc sống, môi trường học tập của học sinh.

Thời gian qua, dư luận dậy sóng xung quanh cuộc thi khoa học kỹ thuật (KHKT) dành cho học sinh vì các em “trình làng” các dự án quá cao siêu, vượt tầm hiểu biết, khả năng tiếp cận và hoàn toàn không liên quan gì đến cuộc sống, công việc học tập hàng ngày của các em.

Cụ thể, liên tiếp trong nhiều năm, nhiều dự án nghiên cứu về các lĩnh vực chẩn đoán, điều trị ung thư, sản xuất dược phẩm, y học dự phòng, vật liệu mới... đạt giải cao tại các kì thi KHKT quốc gia.

Năm 2022, ban tổ chức cuộc thi KHKT quốc gia trao giải nhất cho dự án "Phân lập, đánh giá khả năng nhắm đích tế bào gốc ung thư dạ dày của phân đoạn chứa hợp chất saponin và bào chế sản phẩm từ cây lá khôi (Ardisia gigantifolia)" của Trường THPT Chuyên Thái Nguyên. Trường này cũng có một giải nhất nữa liên quan đến nghiên cứu về điều trị ung thư.

Trước ý kiến băn khoăn, thắc mắc của dư luận, đại diện Trường Trung học phổ thông Chuyên Thái Nguyên cho rằng có các thầy cô và chuyên gia hỗ trợ, tư vấn hướng dẫn học sinh thực hiện, nhằm giúp học sinh nghiên cứu và giải quyết được những vấn đề kiến thức hàn lâm.

Do không có quy định và biện pháp kiểm tra chặt chẽ, ban giám khảo không thể biết được trong dự án, bao nhiêu % công sức là của học sinh, bao nhiêu % là của các chuyên gia, thầy cô.

TS Vật lý Nguyễn Văn Khải khẳng định: Trong KHKT không có hiện tượng “nhảy cóc”, người không có kiến thức chuyên môn không thể nghiên cứu, sáng tạo.

TS Vật lý Nguyễn Văn Khải đề nghị bãi bỏ cuộc thi KHKT dành cho học sinh. Ảnh: VT

“Ý tưởng KHKT chỉ có thể nảy sinh trong thực tiễn lao động, học tập, nghiên cứu miệt mài, sâu sắc, gắn liền với đời sống, công việc chuyên môn. Không thể có chuyện người làm chuyên môn này nhảy sang sáng tạo ở chuyên môn khác; không có kiến thức chuyên môn, chuyên ngành thì không thể nghiên cứu, sáng tạo” – TS Nguyễn Văn Khải khẳng định và nêu quan điểm đối với học sinh, chỉ nên tổ chức cho các em làm các thí nghiệm khoa học trong sách giáo khoa.

Một thực tế khiến nhiều người bất ngờ và hết sức băn khoăn là chương trình giáo dục phổ thông hiện nay nặng về lý thuyết, học sinh học ngày đêm miệt mài với các dạng bài tập hóc búa. Phương pháp giáo dục ít chú trọng kĩ năng thực hành và sáng tạo, chủ yếu truyền thụ một chiều, không gắn với thực tế.

Do đó, khi học sinh “trình làng” những dự án thi KHKT quá cao siêu, nhiều người tỏ ra nghi ngờ vì không phù hợp với quy luật.

Theo TS Nguyễn Văn Khải, giáo dục phải có “đất” và “gốc” nghiên cứu thì mới có “hoa quả” sáng tạo. Do đó, để có ngày càng nhiều các tài năng sáng chế, nghiên cứu KHKT cho quốc gia, cần xây dựng được môi trường giáo dục thực chất, sáng tạo, phát huy tài năng và niềm đam mê nghiên cứu, sáng tạo của học sinh.

Một khi xây dựng được môi trường giáo dục giàu tính sáng tạo, các tài năng sáng tạo, nghiên cứu sẽ phát triển lên trong môi trường giáo dục đại học và thực tiễn cuộc sống, lúc đó sẽ có nhiều sáng chế hữu ích, thiết thực và có giá trị.

Trước mắt, phải bãi bỏ những nội dung, hoạt động giáo dục không đảm bảo tính trung thực và không có tính thực tế, tiết kiệm thời gian, kinh phí và chất xám cho những mục tiêu thiết thực, vì tương lai của thế hệ trẻ và quốc gia.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn