MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Học song bằng: Hướng đi táo bạo với sinh viên

NGUYỄN DUY LDO | 30/03/2023 08:30
Bên cạnh việc giúp các sinh viên theo đuổi đúng đam mê của mình, học song bằng còn mở ra cơ hội nghề nghiệp rộng lớn trong thời buổi nhiều cạnh tranh khốc liệt trên thị trường việc làm. 

Tìm lại đúng đam mê

Bạn Hoàng Thị Thắm (sinh viên năm 3, Học viện Báo chí và Tuyên truyền) quyết định học song bằng sau 2 năm duy trì một ngành học không phải sở trường.

Khi được hỏi về lý do lựa chọn học song bằng, Hoàng Thắm chia sẻ: “Thú thật đây cũng không phải dự định ban đầu của tôi khi bước chân vào đại học. Tôi đăng ký nguyện vọng 1 là ngành Quan hệ công chúng nhưng không đủ điểm đỗ. Sau đó, tôi đã tìm hiểu và học một chuyên ngành khác thay vì dành ra một năm để ôn thi lại”.

Hoàng Thắm quyết định học ngành học thứ 2 để theo đuổi đam mê và sở trường của bản thân. Ảnh: Nguyễn Duy

Chuyên ngành đầu tiên Hoàng Thắm theo học là Quản lý kinh tế. Do không thuộc sở trường hay đam mê của mình, nữ sinh cảm thấy khó khăn trong việc định hướng nghề nghiệp. 

Chia sẻ thêm về những yêu cầu đối với sinh viên đăng ký học song bằng, Hoàng Thắm cho biết, nhà trường cũng tạo điều kiện tối đa với sinh viên có nhu cầu học. “Để có thể học song bằng, sinh viên chỉ cần có điểm học tập và rèn luyện đạt từ mức khá trở lên, trong quá trình học tập ở trường không được nợ môn hoặc là học lại” - nữ sinh tâm sự.

Học tập cùng lúc 2 chương trình, Hoàng Thắm cũng gặp không ít khó khăn so với bạn bè đồng trang lứa.

Với nữ sinh, khó khăn nhất khi học song bằng là khối lượng kiến thức rất nặng, giữa 2 chuyên ngành kinh tế và quan hệ công chúng lại có sự khác biệt lớn về kiến thức. Để học được trọn vẹn một chương trình đã khó, việc học song bằng cần rất nhiều nỗ lực mới có thể vượt qua. 

Bên cạnh đó, việc chi trả học phí và sắp xếp thời gian để theo học cùng lúc 2 chuyên ngành mà không bị ảnh hưởng thời gian sinh hoạt cũng là một vấn đề.

May mắn, Hoàng Thắm luôn được mọi người cố gắng hết sức động viên và hỗ trợ. Đây cũng chính là động lực giúp nữ sinh có thể hoàn thành mục tiêu và ước mơ của mình.

4 năm 2 tấm bằng đại học 

Khác với Hoàng Thắm, Nguyễn Tống Hương Trà - sinh viên năm cuối, Đại học Luật Hà Nội - đã có dự định học song bằng từ rất sớm.

Hương Trà chia sẻ: “Tôi có dự định học song bằng ngay từ khi bắt đầu tìm hiểu về trường đại học. Tôi cảm thấy việc học song bằng đem lại cho mình khá nhiều lợi ích khi có 2 tấm bằng trên tay và có nhiều kiến thức hơn. Trong khi đó, thời gian học tập cũng chỉ tương tương với các bạn cùng khóa”.

Tuy nhiên, để có được ưu thế đó, Hương Trà cũng trải qua không ít áp lực và khó khăn trong quá trình học tập. 

Hương Trà dự kiến chỉ mất khoảng 4 năm để hoàn thành 2 tấm bằng đại học. Ảnh: Nguyễn Duy

“Các ngành liên quan đến luật thường sẽ yêu cầu độ chính xác cao. Khối lượng kiến thức quá lớn, việc nghiên cứu cũng vất vả hơn nhiều so với việc học một chương trình. Có những giai đoạn, tôi cảm thấy thực sự bị quá tải, rất căng thẳng và mệt mỏi” - Hương Trà tâm sự.

Dành lời khuyên cho các bạn trẻ đang có mong muốn học song bằng, Hương Trà cho hay, bản thân sinh viên phải thực sự tìm hiểu kỹ càng về ngành học. Để đạt được hiệu quả cao nhất cần có định hướng cụ thể và sự chuẩn bị tâm lý, tài chính, thời gian, kiên nhẫn để theo đuổi. 

“Nếu mọi người có đủ đam mê, mong muốn mở rộng kiến thức thì học song bằng là một điều đáng để trải nghiệm. Tuy nhiên, việc tìm hiểu quá nhiều thứ nhưng lại thiếu đi chiều sâu của từng thứ thì cũng không mang lại được nhiều giá trị. Nếu sinh viên cân bằng được 2 việc này thì học song bằng là một trải nghiệm thú vị" - Hương Trà trải lòng. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn