MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Hoạt động trải nghiệm kỹ năng sống tại trường Tiểu học Cương Gián 2, Nghi Xuân-Hà Tĩnh. Ảnh tư liệu: PDN

Hơi thở cuộc sống theo giáo viên vào bài giảng

PHAN NỮ LA GIANG LDO | 22/09/2021 07:00

Giáo dục của chúng ta đang quá tập trung vào mục tiêu “ứng thí”, nhiều bài giảng của giáo viên thiếu vắng những tri thức gần gũi, những kỹ năng cơ bản trang bị cho học sinh thích ứng cuộc sống.

Thầy ơi, con trâu màu gì?

Câu chuyện có thật mà như đùa của một số em học sinh lớp 9 ở TP. Hồ Chí Minh được một giáo viên kể lại như sau:

“Khi tôi chuẩn bị hướng dẫn các em làm bài văn thuyết minh về loài vật, một học sinh hỏi: “Thầy ơi, con trâu màu gì?”. Rất nhiều em trong lớp cười ồ lên. Tôi cũng khá bất ngờ trước câu hỏi của học sinh đó.

Một lát sau có một em khác hỏi: “Thầy ơi, trâu có vú không ạ?”. Có em hỏi, bò có biết cày không?

Liệu có bao nhiêu học sinh ở thành phố không biết đến con trâu, con bò, cây lúa,… như một số học sinh trong lớp tôi đang dạy. Lẽ ra những hình ảnh ấy thật thân thuộc với các em. Chí ít thì các em cũng nhìn thấy vài ba lần trên truyền hình, Internet,…”

Câu chuyện trên rất đáng suy ngẫm. Tại sao những gì cơ bản nhất, gần gũi nhất, đời thường nhất mà học sinh cũng không biết, ngay cả hình ảnh cây lúa mà nhiều em với trình độ lớp 9 cũng không biết nó như thế nào. Phải chăng chúng ta đang dạy các em những bài học quá cao siêu? Phải chăng chúng ta đang dạy các em kiến thức thiếu thực tế? Hay tại các em ít quan tâm những gì gần gũi với đời thường, chỉ tìm hiểu những gì mà các em đam mê cuồng nhiệt?

Thiết nghĩ những điều trên đây chính là sản phẩm của nền giáo dục “ứng thí”, học sinh và giáo viên chỉ tập trung vào dạy – học những gì liên quan đến thi cử, đến văn mẫu, đến các dạng toán thi,… mà đã bỏ qua những kiến thức nền tảng, những kiến thức cơ bản để thích ứng với cuộc sống.

Giáo viên mang hơi thở cuộc sống vào bài học

Trong một tiết học toán ở lớp 2, giáo viên ra bài toán đố vui như sau:

“Đồng làng hôm nay vào vụ, cu Toán dắt trâu ra đồng cho bố đi cày thì thấy:

Đồng làng mở trang sách nâu

Người người chăm chỉ, trâu trâu chuyên cần

Rành rành, ba lưỡi, sáu chân

Một thân mạc áo, một thân ở trần

Hỏi cu Toán thấy mấy người, mấy con vật?”

Hai phút, ba phút,… rồi năm phút trôi qua nhưng không em nào trả lời được. Bạn lớp trưởng đứng lên nêu thắc mắc:

- Thưa cô! Ba lưỡi sao lại chỉ có hai thân, phải ba chứ ạ!

- Thắc mắc thật là giỏi! Cô xin gợi ý, trong ba cái lưỡi kia, hai lưỡi nằm trong miệng, một lưỡi nằm dưới đất. Cái lưỡi dưới đất được 6 cái chân kéo, đẩy để cạp đất, nhai đất, cày đất!

Tới đây thì cả lớp đồng thanh:

- Một người và một con trâu!

- Một người, một con trâu đang cày ruộng! Giỏi lắm! Cô khen cả lớp!

Trong câu chuyện trên đây, học trò giỏi nhưng cô giáo còn giỏi hơn. Cô dạy toán qua văn, cô dạy văn bằng toán và đặc biệt hơn, rất sáng tạo là cô giáo đã "Mang cuộc sống vào bài học - Đưa bài học vào cuộc sống".

Cô biết cách biến đồng làng thành trang sách mở để đồng làng đẹp hơn. Cô khéo dùng từ đồng âm, nhưng khác nghĩa. Cô giấu cái lưỡi cày, công cụ lao động vào giữa những cái lưỡi trâu và lưỡi người vốn là một bộ phận của những thân thể động vật, để cùng học trò chơi trốn tìm với các con chữ.

Đúng là “Học một biết mười”. Chỉ một bài toán vui nhưng học sinh được trải nghiệm biết bao điều.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn