MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bến xe Niệm Nghĩa (Hải Phòng). Ảnh: H.H

Hơn 50 lao động Bến xe Hải Phòng kêu cứu vì nguy cơ mất việc

Hoàng Hoan LDO | 15/05/2021 08:41

Báo Lao Động nhận được đơn kiến nghị của tập thể người lao động (NLĐ) Cty CP Bến xe Hải Phòng (địa chỉ ở 273 Trần Nguyên Hãn, quận Lê Chân, TP.Hải Phòng) kiến nghị về việc thành phố quyết định chuyển đổi công năng sử dụng bến xe Niệm Nghĩa, khiến hơn 50 lao động đứng trước nguy cơ mất việc làm, trong khi chưa đủ thời gian chuyển đổi cơ cấu cũng như công năng sử dụng của bến xe.

NLĐ sốc trước nguy cơ mất việc, cổ đông mất tài sản

Trong đơn kiến nghị gửi các cơ quan chức năng, NLĐ Cty CP Bến xe Hải Phòng (trước đây là 100% vốn nhà nước, từ năm 2015 chuyển sang Cty Cổ phần, trong đó UBND TP.Hải Phòng vẫn chiếm 65% vốn, 35% cổ phần còn lại chủ yếu được các cổ đông nhỏ là NLĐ tại Cty mua). Cty CP Bến xe Hải Phòng trước đây được giao khai thác các bến xe là Tam Bạc, Cầu Rào, Niệm Nghĩa và Vĩnh Bảo. Năm 2015, Bến xe Tam Bạc được giải tỏa để làm công viên.

Đến tháng 12.2020, TP.Hải Phòng tiếp tục thu hồi bến xe Cầu Rào để xây dựng cầu, làm hụt 60% doanh thu sản lượng của Cty. Hàng chục lao động đang làm việc tại bến Cầu Rào, một phần chuyển về Cty làm tại bến xe Niệm Nghĩa, số còn lại người chuyển công tác, người nghỉ việc do Cty không bố trí được việc làm. Lúc này Cty chỉ còn bến xe Niệm Nghĩa là hoạt động chính, nuôi 50 công nhân lao động (bến xe Vĩnh Bảo nhỏ lẻ, chỉ có 6 lao động).

Đến tháng 4.2021, lãnh đạo sở GTVT Hải Phòng đã có buổi làm việc với NLĐ của Cty, thông báo về việc điều chuyển bến xe Niệm Nghĩa theo Nghị quyết 30 của HĐND TP.Hải Phòng năm 2017, trong đó yêu cầu việc chuyển đổi công năng sử dụng phải thực hiện trong năm 2021.

Nghe thông tin này, NLĐ cũng như các cổ đông của Cty vô cùng lo lắng trước nguy cơ mất việc và ảnh hưởng quyền lợi. Trong khi đó, dự án xây dựng bến xe Hải Thành (quận Dương Kinh) - bến xe dự định thay thế cho bến Niệm Nghĩa - cũng đã bị dừng, nguyên nhân là do chi phí GPMB từ thời điểm được chấp thuận đầu tư (2018) 15 tỉ đồng, đến nay đã tăng lên hơn 70 tỉ đồng; Phí xây dựng cơ bản cũng tăng, nên Cty gặp khó khăn cho việc huy động nguồn vốn để triển khai dự án. Đồng thời, Cty cũng không có cơ sở để đảm bảo doanh thu có thể bù đắp các khoản chi phí, lãi vay ngân hàng… để bến xe hoạt động ổn định trong tương lai, nên Cty buộc phải xin dừng dự án.

Ông Nguyễn Quốc Đoàn - Chủ tịch CĐ Cty CP Bến xe Hải Phòng đại diện NLĐ Cty - kiến nghị: Trước những khó khăn của Cty và nguy cơ mất việc của CNLĐ, tập thể NLĐ Cty đề nghị sở GTVT Hải Phòng kiến nghị lên thành phố, điều chỉnh thời gian thực hiện Nghị quyết 30 để tạo điều kiện cho Cty có thời gian tái cơ cấu, chuẩn bị cho việc chuyển đổi công năng sử sụng bến xe, cũng như kịp thời đào tạo NLĐ chuyển sang ngành nghề mới. Hơn nữa, theo ông Đoàn, trong nghị quyết 30 của HĐND TP.Hải Phòng cũng còn rất nhiều nội dung chưa được thực hiện, nên việc điều chỉnh thời gian thực hiện nghị quyết cũng là tạo điều kiện để NLĐ Cty có thời gian chuyển đổi, đảm bảo đời sống, việc làm cho hơn 50 con người đã gắn bó lâu dài với Cty.

Sở GTVT Hải Phòng nói gì?

Trước vụ việc trên, trao đổi với Lao Động, ông Ngô Hồng Quang, Trưởng phòng Quản lý vận tải sở GTVT Hải Phòng - cho rằng, Nghị quyết 30 HĐND TP.Hải Phòng năm 2017 nêu rõ, đến năm 2020, TP sẽ xây dựng 8 bến xe khách mới, nâng cấp 6 bến xe khách, chuyển đổi mục đích sử dụng 3 bến xe khách liên tỉnh là bến Cầu Rào, Lạc Long và Niệm Nghĩa. Đến năm 2018, UBND TP.Hải Phòng có quyết định về việc phê duyệt Quy hoạch mạng lưới các điểm đỗ xe, bãi đỗ xe đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 và Kế hoạch thực hiện Nghị quyết 30/HĐND nói trên.

Căn cứ từ các quyết định này, sở GTVT Hải Phòng đã có nhiều chỉ đạo đến Cty CP Bến xe Hải Phòng về kế hoạch thực hiện Nghị quyết, đảm bảo thực hiện chuyển đổi công năng sử dụng bến xe, chuyển đổi mục đích sử dụng, chuyển đổi công năng và xây dựng bến xe mới đúng lộ trình, nhưng đến nay Cty đã không thực hiện.

Cũng theo ông Quang, bến xe Niệm Nghĩa nằm ở khu vực giao thông đông đúc, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn, lượng xe xuất bến trên 200 lượt/ngày đã tăng áp lực giao thông lên tuyến đường Trần Nguyên Hãn, do đó, việc chuyển đổi công năng sử dụng bến xe Niệm Nghĩa là phù hợp, đảm bảo ATGT.

Ông Phạm Văn Huy, PGĐ sở GTVT Hải Phòng cho rằng, sở phải thực hiện theo chỉ đạo của UBND TP. “Sở đã yêu cầu Cty nhanh chóng triển khai các thủ tục để chuyển đổi cơ cấu, công năng sử dụng bến xe; Cty cũng có tiền, có nhân lực, thì việc xây dựng phương hướng hoạt động cho Cty trong thời gian tới là điều tất yếu. Vì vậy, sở đề nghị Cty thực hiện xây dựng phương án tái cơ cấu Cty, sớm báo cáo cấp có thẩm quyền quyết định” - ông Huy nói.

Bà Trần Thị Mai - Chủ tịch CĐ GTVT Hải Phòng cho biết: Công đoàn ngành GTVT Hải Phòng đã nhận được đơn kiến nghị của tập thể NLĐ CP Bến xe Hải Phòng. Công đoàn hoàn toàn chia sẻ với NLĐ trong giai đoạn khó khăn vì dịch bệnh, tình hình kinh doanh không khả quan, cuối năm 2020, Cty đã bị thu hồi bến xe Cầu Rào, hiện chỉ còn tập trung chính vào bến xe Niệm Nghĩa.

Việc chuyển đổi công năng sử dụng bến xe Niệm Nghĩa sẽ khiến NLĐ đứng trước nguy cơ mất việc. Do đó, Công đoàn ngành đề nghị các cơ quan chức năng kiến nghị thành phố kéo dài thời gian chấm dứt hoạt động bến xe Niệm Nghĩa để Cty có đủ thời gian tái cấu trúc DN, chuyển đổi công năng sử dụng bến xe, cũng như chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Cùng với đó, Công đoàn ngành cũng đề nghị Cty nhanh chóng tái cấu trúc, để DN tiếp tục hoạt động ổn định, đảm bảo thu nhập và việc làm cho NLĐ, đảm bảo quyền lợi cho các cổ đông là NLĐ trong Cty.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn