MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Huế: Hàng ngàn hecta sắn có nguy cơ mất trắng vì bệnh khảm lá

HN LDO | 18/03/2021 17:44

Bệnh khảm lá hoành hành, gây ảnh hưởng đến hơn 1.000 hecta sắn trên địa bàn Thừa Thiên Huế. Người nông dân lo lắng vì nguy cơ mất trắng rất cao.

Nguy cơ mất trắng

Sau khi tiến hành tiêu hủy, thu hoạch những diện tích sắn còn sót lại, từ đầu tháng 1.2021 đến nay, các vùng trồng sắn bị dịch bệnh khảm lá trước đây tiếp tục triển khai trồng vụ mới. Tuy mới xuống giống 1 đợt nhưng dịch bệnh đã xuất hiện ở các địa phương Phong Điền, Hương Trà, A Lưới khiến nông dân gặp nhiều khó khăn.

Bệnh khảm lá sắn xuất hiện trên một số diện tích trồng xen cây đậu ở Phong Điền, Hương Trà. Ảnh: HN.

Trên các cánh đồng trồng chuyên cây sắn và xen ghép với đậu ở nhiều địa phương ở Phong Điền, Hương Trà, đa số diện tích đã bị nhiễm bệnh với mặt lá cây sắn bị quăn, vàng loang lổ. Nông dân vẫn chưa tiến hành tiêu hủy cây sắn bị bệnh như niên vụ trước.

Ông Hoàng Ngọc Điền (tổ dân phố Tân Lập, thị trấn Phong Điền, huyện Phong Điền) cho biết, vụ sắn năm 2020 gia đình thuê đất ở xã Phong Hiền trồng 8 hecta sắn thì 2 hecta đã bị bệnh khảm lá với tỷ lệ thiệt hại trên 70%, đã tiến hành tiêu hủy theo quy định và nhận được sự hỗ trợ của địa phương.

Niên vụ năm 2021, theo khuyến cáo, gia đình không sử dụng hom giống tại địa phương nữa mà chuyển qua sử dụng nguồn giống của Nhà máy tinh bột sắn Phong An cung cấp (nguồn giống từ Tây Ninh), tiếp tục triển khai trồng 8 hecta trên vùng đất Phong Hiền.

Tuy nhiên, đến nay đã có gần 7 hecta bị nhiễm bệnh với tỷ lệ từ 50 - 70%. Dịch bệnh khảm lá đang tiếp tục lây lan đối với diện tích còn lại; nếu không có biện pháp xử lý kịp sẽ mất trắng toàn bộ diện tích.

Khẩn trương tiêu hủy

Thông tin từ Sở NN&PTNT, năm 2021 bệnh khảm lá sắn tiếp tục gây hại tại các huyện thị Phong Điền, A Lưới, Hương Trà với tổng diện tích nhiễm bệnh khoảng hơn 1.000 hecta. Trong đó, huyện Phong Điền hơn 588 hecta, Hương Trà 405 hecta, A Lưới 10 hecta với tỷ lệ nhiễm bệnh dưới 30%: 10 hecta; từ 30-70%: 319 hecta và trên 70%: 668 hecta. Nguyên nhân chủ yếu do sử dụng nguồn giống bị nhiễm bệnh từ vụ trước để trồng.

Người dân tiêu hủy các cây sắn bị bệnh. Ảnh: HN.

Tình hình diễn biến bệnh khảm lá sắn khá phức tạp, tuy nhiên đến nay công tác tiêu hủy ở các địa phương diễn ra khá chậm với diện tích tiêu hủy mới được 6,5 hecta.

Theo đánh giá của các cơ quan chức năng với việc tiến hành tiêu hủy cây sắn nhiễm bệnh chậm, nguồn bệnh đang tồn đọng trong các vùng trồng sắn trong điều kiện thời gian tới sẽ có thời tiết nắng nóng, nhiệt độ cao thì bọ phấn trắng (môi giới truyền bệnh) sẽ phát sinh gây hại.

Dự báo nguy cơ bệnh khảm lá sắn tiếp tục phát tán, lây lan cho các vùng chưa nhiễm bệnh, diện tích bị hại sẽ tăng, gây nguy cơ mất trắng nhiều diện tích trồng sắn.

Ông Trương Văn Giang, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, đơn vị đã ban hành văn bản chỉ đạo các địa phương tăng cường phòng trừ bệnh khảm lá sắn năm 2021.Trong đó, chỉ đạo khẩn trương nhổ bỏ cây sắn nhiễm bệnh, tiêu hủy bằng cách chất đống để đốt hoặc chôn lấp tiêu hủy nguồn bệnh; tăng cường kiểm tra, kiểm soát nguồn bệnh ngay sau khi trồng nhằm phát hiện sớm, khoanh vùng để nhổ bỏ, tiêu hủy các diện tích bị nhiễm bệnh.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn