MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Hưởng 50% bảo hiểm xã hội 1 lần hợp lý hơn khi áp dụng với lao động trẻ

Mạnh Cường LDO | 01/11/2023 12:11

Trong hồ sơ Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi mà Chính phủ trình Quốc hội thông qua gần đây có phương án chỉ được rút 50% bảo hiểm xã hội 1 lần dự kiến từ ngày 1.7.2025. Phương án này theo nhiều lao động trung niên có nhiều bất cập, chỉ phù hợp với các lao động trẻ.

Bà Nhung cho rằng, đề xuất chỉ được rút 50% bảo hiểm xã hội 1 lần không thiết thực với người lao động lớn tuổi. Ảnh: NVCC

Đa phần lao động lớn tuổi đều cho rằng, khi đã rút 50% bảo hiểm xã hội 1 lần, bản thân rất khó đóng đủ số năm còn thiếu để hưởng lương hưu.

44 tuổi bắt đầu vào công ty làm, đến nay, bà Lê Thị Nhung - công nhân đóng gói - mới đóng được 3 năm bảo hiểm xã hội. Tuy nhiên, bà chưa có ý định cố làm đến 60 tuổi để hưởng lương hưu dù công việc không quá vất vả. Bà Nhung dự định chỉ làm đến năm 55 tuổi rồi xin nghỉ, lúc đó xem xét rồi tính tiếp.

“Tôi đang chờ đề xuất đóng bảo hiểm xã hội 15 năm được hưởng lương hưu có hiệu lực để đóng tiếp bảo hiểm xã hội tự nguyện những năm còn thiếu. Nếu đề xuất không được thông qua hoặc nếu lúc đó cần tiền, tôi sẽ rút bảo hiểm xã hội 1 lần” - bà Nhung chia sẻ quan điểm.

Khi biết đề xuất tháng 7.2025 chỉ được rút 50% bảo hiểm xã hội 1 lần, bà Nhung cảm thấy hụt hẫng và lo âu. Bởi bà chỉ làm đến năm 55 tuổi (đóng bảo hiểm xã hội 11 năm nữa), có rút hết cũng chẳng được bao nhiêu huống chi chỉ được rút một nửa.

“Ở độ tuổi này, tôi rất muốn rút bảo hiểm xã hội 1 lần. Do vậy, nên có chính sách tạo điều kiện để người lao động trung niên rút 100% bảo hiểm xã hội 1 lần. Theo đề xuất trên này, với lao động trung niên như tôi, khoản bảo lưu 50% còn lại không quá quan trọng” - bà Nhung bày tỏ.

Chị Nguyễn Thị Biên (43 tuổi, Hà Nam) cũng cho rằng, đề xuất chỉ được rút 50% bảo hiểm xã hội 1 lần chỉ phù hợp với lao động trẻ. Với người trung tuổi như chị, việc đóng lại bảo hiểm xã hội cho đủ 20 năm thực sự rất khó khăn.

“Hiện tại, tôi đã đóng bảo hiểm xã hội được 12 năm. Nếu có việc cần sử dụng tiền hoặc nghỉ việc, tôi có 6 năm để bảo lưu. Làm việc đủ 14 năm còn lại, tiếp tục đóng bảo hiểm là điều rất khó khi sức khỏe ngày càng yếu và doanh nghiệp cũng không muốn tuyển dụng lao động lớn tuổi” - chị Biên cho hay.

Chị Biên nhấn mạnh nhu cầu làm đến khi nào nghỉ không do bản thân quyết định. Bởi ngoài 50 tuổi, các công ty đều tính đến chuyện sa thải người lớn tuổi, tuyển người trẻ vào để làm việc hiệu quả hơn. Khi bị sa thải ở tuổi 50, rất khó xin việc ở chỗ khác đồng nghĩa thu nhập không có.

Do đó, số tiền 50% còn lại, theo chị Biên, nếu không rút được sẽ rất lãng phí vì người lao động không có tiền để đóng tiếp số năm còn thiếu bằng bảo hiểm xã hội tự nguyện để hưởng lương hưu.

Chị Biên cho rằng, đề xuất bảo lưu 50% bảo hiểm xã hội 1 lần khi rút là tốt nhưng chỉ phù hợp với những lao động trẻ. Theo chị Biên, lao động trẻ vừa có sức khỏe vừa có thời gian, vì vậy, thời gian để họ đóng tiếp đủ 20 năm hưởng lương hưu rất dễ dàng thực hiện.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn