MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Người lao động làm thủ tục hưởng trợ cấp thất nghiệp. Ảnh: Hạnh An

Hướng dẫn tính thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp

Hà Anh (thực hiện) LDO | 23/02/2024 16:19

Ngày 29.12.2023, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đã ban hành Thông tư 15/2023/TT-BLĐTBXH sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 28/2015/TT-BLĐTBXH ngày 31.7.2015 hướng dẫn thực hiện Điều 52 Luật Việc làm và một số điều của Nghị định 28/2015/NĐ-CP ngày 12.3.2015 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Việc làm về bảo hiểm thất nghiệp.

Trao đổi với phóng viên Báo Lao Động, bà Dương Thị Minh Châu - Trưởng Phòng Truyền thông BHXH TP Hà Nội cho biết, trong Thông tư 15/2023/TT-BLĐTBXH có nhiều thay đổi so với các thông tư trước đây.

Được biết, trong Thông tư 15/2023/TT-BLĐTBXH, có bổ sung hướng dẫn tính thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp, vậy bà có thể cho biết cụ thể hơn về hướng dẫn này?

- Căn cứ Khoản 2 Điều 1 Thông tư 15/2023/TT-BLĐTBXH, mỗi tháng hưởng trợ cấp thất nghiệp vẫn được tính từ ngày người lao động bắt đầu hưởng trợ cấp đến ngày đó của tháng sau trừ 1 ngày. Tuy nhiên với trường hợp trường hợp tháng sau không có ngày tương ứng thì ngày kết thúc của tháng hưởng trợ cấp thất nghiệp là ngày cuối cùng của tháng đó.

Ví dụ: Ông Cao Văn D được hưởng trợ cấp thất nghiệp với thời gian là 5 tháng, từ ngày 1.1.2022 đến ngày 31.5.2022. Như vậy, tháng hưởng trợ cấp thất nghiệp của ông D được xác định như sau: Tháng hưởng thứ nhất là từ ngày 1.1.2022 đến hết ngày 31.1.2022; tháng hưởng thứ hai là từ ngày 1.2.2022 đến hết ngày 28.2.2022; tháng hưởng thứ ba là từ ngày 1.3.2022 đến hết ngày 31.3.2022; tháng hưởng thứ tư là từ ngày 1.4.2022 đến hết ngày 30.4.2022; tháng hưởng thứ năm là từ ngày 1.5.2022 đến hết ngày 31.5.2022.

Bà Dương Thị Minh Châu - Trưởng Phòng Truyền thông và phát triển đối tượng (BHXH TP Hà Nội). Ảnh: Minh Ánh

Thưa bà, trong trong Thông tư 15/2023/TT-BLĐTBXH, ngoài bổ sung hướng dẫn tính thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp thì còn có những điểm thay đổi khác nữa không?

- Trong Thông tư 15/2023/TT-BLĐTBXH làm rõ hơn các trường hợp được bảo lưu bảo hiểm thất nghiệp.

Khoản 4 Điều 1 Thông tư 15/2023/TT-BLĐTBXH đã sửa đổi bổ sung thêm một trường hợp được bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp,

Trong Thông tư 28 đã quy định Nếu người lao động có thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp làm căn cứ để giải quyết hưởng trợ cấp thất nghiệp từ 36 tháng trở lên đến 144 tháng và có tháng đóng chưa được giải quyết hưởng trợ cấp thất nghiệp thì thời gian đóng bảo hiểm bảo hiểm thất nghiệp chưa được giải quyết được cơ quan bảo hiểm xã hội xác nhận bổ sung sẽ được bảo lưu để làm cơ sở tính hưởng bảo hiểm thất nghiệp khi đáp ứng đủ điều kiện theo quy định.

Số tháng lẻ này chỉ tính cho các trường hợp có thời gian đóng BHTN từ 36 tháng trở lên, các trường hợp dưới 36 tháng thì không được bảo lưu.

Trường hợp cá biệt, người lao động có thời gian đóng BHTN chưa đc ghi nhận nay đề nghị ghi nhận sau khi đã hưởng trợ cấp thất nghiệp thì được tính như sau:

Số tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp được xác nhận bổ sung để bảo lưu = (Số tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp đã xét hưởng trợ cấp thất nghiệp + Số tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp xác nhận bổ sung ) - Số tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp tương ứng với số tháng đã nhận tiền trợ cấp thất nghiệp - Số tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp tương ứng số tháng bị tạm dừng hưởng trợ cấp thất nghiệp.

Ngoài ra trong Thông tư 15 làm rõ hơn các trường hợp được bảo lưu hoặc không được bảo lưu đối với các trường hợp:

Bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp khi người lao động bị hủy quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp

Bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp trong các trường hợp người lao động đang hưởng trợ cấp thất nghiệp bị chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp

Bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp khi người lao động không đến nhận tiền trợ cấp thất nghiệp

Thông tư 15/2023/TT-BLĐTBXH nêu rõ, các trường hợp không đến nhận tiền trợ cấp thất nghiệp, bị hủy quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp, bị chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp thì thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp được bảo lưu không bao gồm số tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp chưa được giải quyết hưởng trợ cấp thất nghiệp tại Quyết định về việc hưởng trợ cấp thất nghiệp đã được cơ quan bảo hiểm xã hội bảo lưu.

Cùng với đó, trong Thông tư 15/2023/TT-BLĐTBXH còn có nêu hai trường hợp không được bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp.

Người lao động làm thủ tục hưởng trợ cấp thất nghiệp ở Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội. Ảnh: Hạnh An

Cũng theo Khoản 4 Điều 1 Thông tư 15/2023/TT-BLĐTBXH, người lao động cần lưu ý trường hợp không được bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp chưa hưởng trợ cấp thất nghiệp đối với người lao động đóng bảo hiểm thất nghiệp trên 144 tháng thì chỉ được giải quyết hưởng tối đa 12 tháng trợ cấp thất nghiệp, còn số tháng còn lại chưa được giải quyết hưởng trợ cấp thất nghiệp sẽ không được bảo lưu.

Theo Thông tư 15/2023/TT-BLĐTBXH, bổ sung thêm quy định về hồ sơ đối với trường hợp người lao động đang hưởng trợ cấp thất nghiệp tại một địa phương mà đề nghị và được hỗ trợ học nghề tại địa phương khác, trung tâm dịch vụ việc làm nơi người lao động được hỗ trợ học nghề gửi 1 bản quyết định về việc hỗ trợ học nghề cho trung tâm dịch vụ việc làm nơi người lao động đang hưởng trợ cấp thất nghiệp.

Trường hợp đã chuyển nơi hưởng trợ cấp thất nghiệp, sau đó đề nghị và được hỗ trợ học nghề tại địa phương khác nơi đang hưởng trợ cấp thất nghiệp thì trung tâm dịch vụ việc làm nơi người lao động đề nghị hỗ trợ học nghề gửi 1 bản quyết định về việc hỗ trợ học nghề cho trung tâm dịch vụ việc làm nơi ban hành quyết định hưởng.

Đồng thời, xác định và gửi 1 bản quyết định về việc hỗ trợ học nghề cho trung tâm dịch vụ việc làm nơi người lao động đang hưởng trợ cấp.

- Xin trân trọng cảm ơn bà.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn