MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bây giờ, nhiều gia đình đón giao thừa cùng bạn bè, đi du lịch dịp Tết. Ảnh: Thanh Hải

Hương quê

Thanh Hải LDO | 30/01/2022 07:00
Cái sạch sẽ, tươm tất của phố phường chuẩn bị đón Xuân cũng tưng bừng chẳng khác nào ở quê nhà ngày xưa, nhưng sao tôi vẫn cảm thấy thiếu cái bồn chồn, hồi hộp ngày cận tết. Chợt nhớ nồi “lá mùi” tắm tết đêm ba mươi của mẹ...

Sau một năm bận rộn ngược xuôi với công việc, toan lo những thiếu thốn, nợ nần, những buồn vui, sân si… của bất cứ gia đình nào ở quê tôi cũng kết thúc bằng một nồi lá mùi hoặc những loại lá có tinh dầu, mùi hương để tắm đêm ba mươi. Đến giờ phút cận giao thừa, dẫu bất cứ công việc gì còn dở dang cũng đều phải gác lại. Mọi người cùng nhau tắm tết, trừ tịch.

Từ chiều ba mươi, bọn trẻ con chúng tôi đã chạy khắp vườn, gom hái cho đủ các loại lá mùi như hương nhu, sả, lá cam, bưởi, lá tre, lá gai, ổi… chuẩn bị cho nồi lá tắm. Cả năm anh em tôi sắp hàng, chờ mẹ tắm táp, kỳ cọ cho từng đứa. Đất lăn xuống thành từng cục, mặn mùi, hương lá thơm nồng cùng hơi nước nóng bốc lên.

Những đứa con lem luốc, bầm dập đều sạch sẽ, thơm tho. Mẹ dặn, sau khi tắm xong là thay áo mới, chuẩn bị chờ mâm cúng giao thừa. Anh em tuyệt nhiên không được chọc ghẹo, đánh nhau. Mọi vướng bận, sân si đều phải… xử hoà trước thời khắc qua năm mới.

Không biết tục tắm trừ tịch đêm ba mươi của người Việt có từ bao giờ, nhưng đời bà, rồi đời mẹ tôi vẫn duy trì đều đặn hàng năm. Chỉ đến thời chúng tôi mới chấm dứt bởi những bình nước nóng trong toilet hiện đại.

Những mùa đông dài lê thê, giá rét, sương mù, mưa dầm có lẽ sẽ vẫn ám ảnh mãi hết cuộc đời tôi. Không chỉ thiếu chăn ấm, áo lạnh, mà cha mẹ ngập đầu việc đồng áng, nên mùa đông anh em tôi ít được tắm. Có lẽ vậy mà sau khi nồi nước lá mùi đêm ba mươi, ai nấy đều nhẹ nhõm, sảng khoái, tươi tắn.

Mẹ tôi chỉ ngắn gọn giải thích, tắm lá mùi để tẩy đi bụi trần ai, tẩy tà ma xui xẻo một năm qua. Bà dặn “đói cho sạch, sách cho thơm”. Nhưng năm tháng lớn khôn, lời dạy xưa của mẹ cho chúng tôi cảm nhận là không chỉ tắm cho sạch sẽ da thịt, thân thể mà còn ướp hương hoa cho thơm tho từng ý nghĩa, từng việc làm, từ suốt tuổi thơ dại cho đến hết cuộc đời này.

Nội mất sớm, nên cha tôi đã phải bầm dập, đoạn trường tuổi thơ. Rồi chiến tranh làm chia cắt quê hương, ông lên thành phố đăng đẵng hơn 20 năm. Về lại quê sau ngày thống nhất đất nước, cha tôi trở thành “người mới”, không nặng nề áp đặt những phong tục cũ kỹ, nhưng ông vẫn luôn làm theo cách của người lớn tuổi ở quê nhà.

Trước ngày ba mươi tết, từ trong vườn ngoài ngõ đều phải sạch sẽ, tươm tất. Rắc vôi quanh nhà, xông hương khắp ngách, dọn bàn thờ sạch sẽ… Cha ít nói, nhưng những thắc mắc của chúng tôi đều được ông giải thích cả hai chiều, theo phong tục cũ lẫn lý lẽ hiện đại. Cha nói, ngày xưa ông được biết, việc phát quang, rải vôi, xông hương… là để trừ tà, tẩy uế. Nhưng giờ các con đừng hỏi nhiều, cứ làm đi. Rằng cả mùa đông ủ dột, ẩm thấp, quanh nhà bụi cây dây leo bám đến tận vách phên, chứa đầy rắn rết, mầm bệnh, phải dọn cho sạch sẽ để đón năm mới. Kiểm tra để phát hiện mối mọt từng cây cột, kèo, mái rui mè. Rắc vôi để ngừa bệnh. Những gì xưa bày, nay thấy tốt thì cứ làm.

Bây giờ, những điều răn dạy tốt ấy không thể thực hiện được như kiểu cũ. Chúng tôi chỉ cần dành dụm ít tiền, gần tết gọi thợ sơn đến quét lại 1 ngày là nhà sáng trưng, nhưng vẫn thèm cái không khí bận rộn, tíu tít bên cha mẹ như ngày xưa. Thèm nồi nước lá hương quê, những lời giải thích mơ hồ, những câu chuyện ly kỳ, ám ảnh mãi một cuộc đời mình.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn