MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Huyện biên giới ở Đắk Lắk sẽ phối hợp sắp xếp lại nhân sự ngành giáo dục để bảo đảm việc dạy học. Ảnh: Phan Tuấn

Huyện biên giới ở Đắk Lắk sẽ phối hợp, sắp xếp lại nhân sự giáo dục

Phan Tuấn LDO | 27/09/2023 14:10

Các lãnh đạo huyện Buôn Đôn (Đắk Lắk) thừa nhận không có sự phối trong công tác luân chuyển nhân sự giáo dục. Hiện địa phương này đã họp bàn có phương án chấn chỉnh, khắc phục để bảo đảm cho công tác dạy và học được tốt hơn.

Giải quyết khắc phục bất cập nhân sự ngành giáo dục

Mới đây, Báo Lao Động phản ánh bài viết Huyện luân chuyển giáo viên, nhà trường không hề hay biết, phản ánh việc UBND huyện Buôn Đôn đã luân chuyển giáo viên nhưng cơ quan chủ quản là Trường Tiểu học Lê Lợi, ở xã Tân Hòa không hay biết.

Hệ quả, nhà trường đã "trắng" giáo viên dạy tiếng Anh trong tuần đầu tiên khiến cho tất cả học sinh không được học bộ môn này.

Ở một bài viết liên quan khác phản ánh tình trạng Phòng Nội vụ huyện Buôn Đôn đã tham mưu cho Chủ tịch UBND huyện này ký ban hành nhiều quyết định thuyên chuyển kế toán, giáo viên... nhưng bỏ qua vai trò của Phòng GD&ĐT. Hệ quả, công tác giáo dục ở huyện này đang bị rối bời, đảo lộn hết sức nghiêm trọng.

Ông Phạm Trung Nghĩa, Chủ tịch UBND huyện Buôn Đôn thừa nhận, các thông tin mà báo chí phản ánh là đúng. Sau khi báo chí phản ánh, bản thân ông đã tiếp thu để có chỉ đạo giải quyết sớm nhất nhằm ổn định việc dạy và học trên địa bàn. "Có những việc mình làm chưa đảm bảo thì phải cố gắng khắc phục dần" - ông Nghĩa cho hay.

Cũng theo ông Nghĩa, trong thời gian tới, ông sẽ chỉ đạo các phòng, ban đi rà soát lại hết, những việc giải quyết được thì giải quyết, còn việc nào khó quá thì báo cáo Bí thư Huyện ủy Buôn Đôn để có sự sắp xếp cho ổn định.

Để xảy ra những sự việc như báo chí phản ánh là do sự phối hợp giữa các phòng, ban chưa tốt trong quá trình thực hiện. Từ những sự việc đã xảy ra, Chủ tịch UBND huyện Buôn Đôn đã chỉ đạo Phòng Nội vụ và Phòng GD&ĐT, khi muốn điều động nhân sự thì phải có biên bản làm việc với nhau và có chữ ký của cả hai đơn vị này. Sau khi đã thống nhất, các đơn vị này đề xuất Chủ tịch UBND huyện để giải quyết.

Bên cạnh đó, khi muốn điều ai đi đâu hay sắp xếp nhân sự thì các đơn vị này phải làm việc với các trường để xem họ có đồng ý hay không thì mới định hướng để giải quyết.

Trường tiểu học Lê lợi đã được bố trí giáo viên dạy tiếng anh sau phản ánh của Báo Lao Động. Ảnh: Phan Tuấn

Huyện ủy chỉ đạo hài hòa bố trí nhân sự

Cũng liên quan đến việc này, ông Ya Toan Ênuôl – Bí thư Huyện ủy Buôn Đôn cho biết, sau khi nắm được thông tin báo chí phản ánh, Thường vụ Huyện ủy đã tổ chức họp và chỉ đạo lãnh đạo UBND huyện chấn chỉnh, báo cáo sự việc cho Thường trực, Thường vụ Huyện ủy về quá trình thực hiện luân chuyển, điều động viên chức.

Đồng thời, giao Thanh tra huyện tiến hành xác minh những thông tin mà báo chí phản ánh để báo cáo cho Thường trực Huyện ủy. Nếu có dấu hiệu vi phạm thì sẽ giao cho Ủy ban Kiểm tra Huyện ủy vào cuộc làm việc để có hướng xử lý theo quy định.

Luân chuyển cán bộ, viên chức là việc phải làm theo quy định nhưng phải có sự phối hợp nhịp nhàng giữa các đơn vị, phòng, ban.

Theo quy chế làm việc thì Phòng GD&ĐT phải báo cáo với Chủ tịch UBND huyện. Đồng thời, Chủ tịch UBND huyện chỉ đạo Phòng Nội vụ phối hợp với Phòng GD&ĐT tham mưu cho UBND huyện làm sao để hài hòa trong việc bố trí luân chuyển, điều động cán bộ, viên chức.

Xảy ra việc trường thiếu giáo viên tiếng Anh nhưng vẫn điều chuyển thì rõ ràng chưa có sự phối hợp chặt chẽ giữa các đơn vị nên ảnh hưởng đến công tác chuyên môn.

"Về vấn đề này, tôi đã đề nghị Chủ tịch UBND huyện cần tăng cường kiểm tra, giám sát cho nó chặt chẽ hơn” – ông Ya Toan thông tin thêm.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn