MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Huyện Krông Nô ở Đắk Nông đang khổ vì... có nhiều mỏ cát

Bảo Lâm LDO | 02/06/2021 18:11

Huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông là đại công trường khai thác cát lớn nhất tỉnh. Thế nhưng, địa phương này chẳng thu được lợi gì mà còn phải gánh nhiều phiền toái và hệ lụy. Trong đó, tình trạng sạt lở bờ sông, hạ tầng giao thông xuống cấp… là những vấn vấn đề bức xúc nhất.

Sạt lở và hạ tầng giao thông xuống cấp

Hiện nay, UBND tỉnh Đắk Nông đã cấp giấy phép cho 7 đơn vị khai thác cát xây dựng trên sông Krông Nô, tổng công suất trên các giấy phép là 182.000m3/năm.

Xã Quảng Phú là địa phương có bờ sông Krông Nô dài, với trữ lượng cát lớn. Trên địa bàn xã hiện có 4 đơn vị được cấp giấy phép khai thác cát xây dựng. Cả 4 giấy phép đều còn thời hạn, gần nhất là đến năm 2026 và dài nhất đến năm 2034.

Xe vận chuyển làm rơi cát ven đường ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của người dân. Ảnh: Bảo Lâm

Việc khai thác cát trên địa bàn xã Quảng Phú đã bộc lộ nhiều bất cập, ảnh hưởng đến đời sống của nhiều người dân địa phương.

Tại thôn 2, xã Quảng Phú, tuyến đường bê tông có chiều dài 6km do nhà nước đầu tư xây dựng đã trở thành đường "chuyên dụng” cho hoạt động vận chuyển cát. Trên địa bàn xã có 4 bãi tập kết cát và 3 trong số đó sử dụng tuyến đường này để vận chuyển cát ra quốc lộ 28 phân phối cho nhiều địa phương khác.


Nhiều đoạn đường bị hư hỏng do xe chở cát hoạt động liên tục cả ngày lẫn đêm. Ảnh: Bảo Lâm

Đường chỉ có tải trọng 6 tấn, nhưng thường xuyên phải “oằn mình” gánh tải trọng hàng chục tấn từ các xe chở cát, nên xuống cấp trầm trọng. Tuy nhiên, cơ quan chức năng lại không thể cấm các xe chở cát. Vì đây là tuyến đường duy nhất để kết nối với quốc lộ 28.

Không chỉ tại Quảng Phú, các doanh nghiệp được cấp phép khai thác cát tại xã Đắk Nang, Nâm N’đir và Buôn Choáh cũng chủ yếu vận chuyển cát trên quốc lộ 28. Các xe tải trọng lớn, chở đầy cát thường xuyên để cát rơi vãi trên lòng, lề đường. Trong đó, đoạn đường từ xã Đắk Nang về xã Đắk Ha huyện Đắk Glong thường xuyên bị cát phủ dày, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông.

Tình trạng sạt lở bờ sông ảnh hưởng đến đời sống của người dân địa phương. Ảnh: Bảo Lâm

Tình trạng sạt lở nghiêm trọng tại nhiều đoạn bờ sông ở các xã Nâm N’đir, Đắk Nang, Buôn Choáh... cũng là vấn đề bức xúc nhất của người dân đại phương.

Nhằm bảo đảm, ổn định đời sống người dân, chính quyền địa phương đã tốn hàng chục tỷ đồng để xây bờ kè bảo vệ dọc sông Krông Nô. Tuy nhiên, việc xây dựng này chỉ giải quyết cục bộ ở một số vị trí. Sau đó, tình trạng sạt lở dọc bờ sông vẫn tiếp tục diễn ra theo chiều hướng phức tạp, mỗi năm mọt nhiều hơn.

Huyện không có nguồn thu từ cát

Theo ông Ngô Xuân Đông, Chủ tịch UBND huyện Krông Nô, thuế tài nguyên từ khai thác cát đều do tỉnh thu. Mặt khác, hầu hết các doanh nghiệp khai thác cát đều hạch toán không có lời, nên thuế thu nhập doanh nghiệp chẳng đáng bao nhiêu. Địa phương hầu như không khai thác được nguồn thu từ cát.

Tình trạng sạt lở bờ sông ở huyện Krông Nô đang ngày càng lan ra diện rộng. Ảnh: Bảo Lâm

"Chúng tôi rất mong UBND tỉnh và các sở, ngành liên quan hỗ trợ huyện trong quản lý hoạt động khai thác, kinh doanh cát xây dựng. Để từ đó tránh được tình trạng thất thoát nguồn thu và có nguồn duy tu, bảo dưỡng hạ tầng cơ sở của địa phương", ông Đông chia sẻ.

Hoạt động khai thác, vận chuyển cát diễn ra cả ngày lẫn đêm. Ảnh: Bảo Lâm

Đến nay Krông Nô chưa có quỹ để phục vụ duy tu, bảo dưỡng các tuyến đường có xe chở cát chạy thường xuyên. Do đó, nếu được thì tỉnh và cơ quan chức năng cần nghiên cứu phương án, cơ chế tạo quỹ duy tu, bảo dưỡng hạ tầng giao thông. Trong đó, nguồn kinh phí tạo quỹ có thể huy động từ các tổ chức, doanh nghiệp khai thác cát trên địa bàn.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn