MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Huyện miền núi Quảng Nam triền miên thiếu cán bộ

Hoàng Bin LDO | 24/08/2024 18:56

Cứ sau 1 thời gian trúng tuyển thì cán bộ ở miền núi Quảng Nam lại xin chuyển về đồng bằng, khiến tình trạng thiếu cán bộ cứ lặp lại.

Thiếu cán bộ quản lý lẫn chuyên viên

Nhiều cán bộ ở huyện miền núi Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam đang chật vật xoay sở vì phải ôm đồm nhiều việc. Nguyên nhân là do huyện này được giao 90 biên chế công chức, nhưng thiếu đến 15 người. Đối với cấp quản lý, đang thiếu 7 trưởng và phó phòng.

Một góc Trung tâm hành chính huyện Nam Trà My, Quảng Nam. Ảnh Hoàng Bin

Ông Châu Minh Nghĩa – Trưởng Phòng Tài chính kế hoạch huyện Nam Trà My cho biết, đơn vị hiện chỉ có 5/8 công chức trong biên chế được giao. Trước đó, có 3 công chức đã chuyển công tác, 3 người xin nghỉ việc, nhiều người cũng có ý định chuyển công tác về đồng bằng nhưng chưa được duyệt.

“Đây là thực trạng chung của rất nhiều phòng, ban chuyên môn tại huyện Nam Trà My, khiến chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn, lúng túng trong bố trí nhân sự, để thực hiện nhiệm vụ được giao. Thiếu cán bộ khiến một người phải kiêm nhiệm nhiều việc” – ông Nghĩa nêu thực trạng.

Ông Nguyễn Hoài Hiếu - Phó Trưởng Phòng Nội vụ Nam Trà My thừa nhận, việc giữ chân cán bộ đang là bài toán khó ở miền núi Quảng Nam, khi nhiều cán bộ có chuyên môn tốt, lãnh đạo cấp phòng thì xin chuyển công tác về miền xuôi. Trong khi, một số người còn lại thì chưa đủ chuẩn để bổ nhiệm hoặc chưa quy hoạch.

Giáo viên lần lượt xin về đồng bằng khiến giáo dục huyện Nam Trà My, Quảng Nam gặp khó. Ảnh Thành Nguyễn

Trên lĩnh vực giáo dục, huyện Nam Trà My cũng đang thiếu đến 285 biên chế, dù những năm qua đã có nhiều đợt thi tuyển giáo viên.

Nhân sự đã thiếu lại có nhiều người chuyển về đồng bằng hoặc nghỉ việc vì chế độ ưu đãi miền núi không còn, hoặc khi có điều kiện, họ chuyển công tác để gần gia đình, khiến tình trạng thiếu cán bộ cứ tồn tại dai dẳng.

Đề xuất cơ chế riêng cho cán bộ dân tộc thiểu số

Theo ông Nguyễn Hoài Hiếu - Phó Trưởng Phòng Nội vụ Nam Trà My, một trong những giải pháp được đánh giá có hiệu quả trong việc giải quyết bài toán thiếu cán bộ, giáo viên miền núi đó là tạo nguồn cán bộ tại chỗ.

Trường Cao đẳng Quảng Nam (cơ sở miền núi) góp phần đào tạo nhiều cán bộ nguồn ở vùng cao. Ảnh Hoàng Bin

“Trước đây, nhiều sinh viên là người dân tộc thiểu số được cử đi học theo chế độ cử tuyển, đã góp phần giải quyết tốt bài toán thiếu cán bộ ở địa phương. Tuy nhiên, đến nay, chế độ cử tuyển không còn áp dụng nữa” – ông Hiếu nói.

Ngoài lý do này, theo ông Võ Đăng Thuận – Trưởng Phòng GD-ĐT huyện Nam Trà My, vẫn còn khoảng cách về trình độ chuyên môn nghiệp vụ giữa cán bộ miền núi và đồng bằng, khiến Phòng vẫn chưa tuyển được cán bộ người dân tộc thiểu số nào vào làm việc, dù đang thiếu cán bộ.

“Theo tôi, nên có cơ chế thi tuyển hoặc xét tuyển riêng, để tạo điều kiện cho cán bộ, giáo viên người dân tộc thiểu số trúng tuyển, gắn bó lâu dài với địa phương.

Bên cạnh đó, nguồn cán bộ được đào tạo theo Đề án 500, 600 của Bộ Nội vụ nhiều năm trước, đã trưởng thành, đa số luân chuyển về huyện, tỉnh và hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Huyện đã đề xuất tỉnh tiếp tục có cơ chế triển khai chương trình đào tạo cán bộ nguồn này, để làm đội ngũ kế cận lâu dài” – ông Nguyễn Hoài Hiếu nói.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn