MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Người dân thôn Vọng Nguyệt (xã Tam Đa, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh) vẫn đang xôn xao về vụ vỡ hụi của chủ hụi là Ngô Thị L. Ảnh: Vân Trường

Huyện ở Bắc Ninh 6 năm có 2 vụ vỡ hụi hàng trăm tỉ đồng

Vân Trường - Quế Chi LDO | 18/05/2024 08:40

Huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh trong 6 năm xảy ra 2 vụ vỡ hụi quy mô lớn, tổng số tiền thống kê hiện tại lên đến 160 tỉ đồng.

Vợ vỡ hụi, chồng tự tử

Như Báo Lao Động đã phản ánh, những ngày này, cả làng Vọng Nguyệt (xã Tam Giang, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh) vẫn đang rúng động vì thông tin chủ hụi Ngô Thị L. vỡ hụi hàng chục tỉ đồng.

Theo phản ánh của các nạn nhân, hiện chủ hụi đã tuyên bố hủy sổ cái. Mọi thông tin về người chơi, số tiền đóng hàng tháng đã không còn.

Những người chơi hụi hiện đang tổng hợp danh sách những người tham gia. Theo thống kê mới nhất, đã có gần 300 người dân tham gia, với số tiền đã đóng cho chủ hụi lên tới gần 40 tỉ đồng, tăng gần 15 tỉ đồng so với lần thống kê trước đó.

Người dân đưa ra chứng cứ về việc tham gia dây hụi của chủ hụi Ngô Thị L. Ảnh: Vân Trường

Theo tìm hiểu của Báo Lao Động, trước đó, vào tháng 8.2018, tại một xã khác của huyện Yên Phong là xã Tam Đa cũng đã xảy ra vụ vỡ hụi quy mô lên đến 120 tỉ đồng, gây rúng động dư luận.

Theo thông tin xác minh ban đầu của cơ quan chức năng vào thời điểm đó, bà Hoàng Thị Kh (SN 1961; ngụ thôn Phấn Động, xã Tam Đa) đứng ra làm chủ hụi, huy động vốn từ anh em, bà con họ hàng và người dân trên địa bàn xã Tam Đa.

Mỗi người cho bà Kh. vay lấy lãi từ hàng chục triệu đồng đến cả tỉ đồng, có trường hợp lên đến 5 tỉ đồng. Sau đó, từ ngày 5.8.2018, bà Kh tuyên bố vỡ nợ khiến nhiều người rơi vào cảnh khốn đốn.

Làm việc với Công an huyện Yên Phong, bà Kh. khai nhận, đứng tên vay với tổng số tiền 120 tỉ đồng, sau đó lại cho một người phụ nữ cùng xã tên Trần Thị B. vay lại để lấy lãi. Tuy nhiên, qua đối chiếu sổ sách, lời khai của bà B. thì bà B. chỉ vay của bà Kh. 17 tỉ đồng.

Ông Nguyễn Văn Tôn - Chủ tịch xã Tam Đa (Yên Phong, Bắc Ninh) thời điểm năm 2018 trao đổi với phóng viên Báo Lao Động về vụ vỡ hụi của chủ hụi Hoàng Thị Kh. Ảnh: LĐO

Sau khi hay tin bà Kh. tuyên bố vỡ nợ, nhiều người đã đến nhà bà Kh gây sức ép. Không có khả năng chi trả, cộng với sức ép lớn của các chủ nợ, ngày 21.8.2018, ông Trần Văn Tr. (SN 1959, chồng bà Kh.) đã uống thuốc diệt cỏ tự tử và tử vong một ngày sau đó.

Điểm chung 2 vụ vỡ hụi

Theo tìm hiểu của phóng viên, điểm chung của 2 vụ vỡ hụi trên đó là cả hai chủ hụi đã không có thông báo đến UBND cấp xã về việc tổ chức dây hụi để rà soát, quản lý, theo dõi và phòng ngừa.

Nghị định số 19/2019/NĐ-CP của Chính phủ về họ, hụi, biêu, phường đã quy định rất rõ: Chủ hụi phải thông báo bằng văn bản cho Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú về việc tổ chức dây hụi khi thuộc một trong các trường hợp sau: Tổ chức dây hụi có giá trị các phần hụi tại một kỳ mở hụi từ 100 triệu đồng trở lên; Tổ chức từ hai dây hụi trở lên.

Người dân làm đơn gửi cơ quan công an liên quan vụ vỡ hụi của chủ hụi Ngô Thị L. Ảnh: Vân Trường

Nội dung văn bản thông báo gồm: Thông tin cá nhân về chủ hụi; Thời gian bắt đầu và kết thúc dây hụi; Tổng giá trị các phần hụi tại kỳ mở hụi; Tổng số thành viên.

Trường hợp thông tin về dây hụi đã được thông báo mà có sự thay đổi thì chủ hụi phải thông báo bổ sung bằng văn bản cho Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú về việc thay đổi đó.

Chủ hụi không thực hiện nghĩa vụ thông báo thì bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định pháp luật.

Theo tìm hiểu của phóng viên, người dân một số xã trên địa bàn huyện Yên Phong đã chơi hụi từ hàng chục năm nay.

Vào tháng 10.2023, Bộ Công an đưa ra cảnh báo rủi ro khi chơi hụi.

Theo đó, để tránh bị mất tài sản, Cục Cảnh sát hình sự (C02), Bộ Công an khuyến cáo người dân cần tìm hiểu kỹ các quy định của pháp luật liên quan đến chơi hụi, như tiền lãi không được vượt quá 20%/năm (tức khoảng 1,6%/tháng).

Người dân nên tìm hiểu kỹ về nhân thân của chủ hụi; tìm hiểu kỹ về hoạt động của dây hụi định tham gia, có thể yêu cầu chủ hụi cho xem hoặc sao chụp, kiểm tra về số lượng người tham gia, sổ ghi hụi, số tiền góp hụi; tìm hiểu điều kiện kinh tế của chủ hụi, các thành viên góp hụi để đánh giá mức độ rủi ro và để phục vụ giải quyết tranh chấp về sau nếu có.

Đồng thời, người dân nên lập văn bản và yêu cầu công chứng các thỏa thuận về hụi.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn