MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Chị Xoan và 2 con trong một bữa cơm gia đình. Ảnh: Nguyễn Thăng

Hy vọng đến đời con… sẽ mua được nhà ở Hà Nội

Hà Anh LDO | 08/01/2023 09:23

Nhiều người xa quê lên Hà Nội làm việc tại các khu công nghiệp đều mong muốn có được chỗ ở lâu dài, nhất là mua được một căn nhà ở Thủ đô là việc đầu tiên mà họ khát khao. Để biến ước mơ thành hiện thực, họ phải thắt chặt chi tiêu, cố gắng lao động… Tuy nhiên, không phải ước mơ nào cũng thành hiện thực. 

Kế hoạch 15 năm

Khi mới kết hôn, vợ chồng chị Lê Thị Xoan (quê Nghệ An, Công ty SD, khu công nghiệp Thăng Long, Đông Anh, Hà Nội) dự tính sẽ tích cóp trong khoảng 15 năm thì sẽ có tiền mua một căn hộ cho gia đình ở Hà Nội.

Cả 2 vợ chồng làm công nhân khu công nghiệp nên thu nhập ổn định nhưng không cao. Để hiện thực hoá “chiến lược dài lâu”, anh chị thuê nhà trong khu nhà ở công nhân gần khu công nghiệp, chăm chỉ lao động, trau dồi kiến thức, tay nghề để có thêm lương, thưởng… 

“Khi mới lấy nhau, chúng tôi bàn tính mỗi tháng “bỏ lợn” khoảng hơn 3 triệu đồng, sau 15 năm có một khoản kha khá cộng với sự hỗ trợ của gia đình đôi bên thì có thể mua được một căn hộ chung cư dành cho người có thu nhập thấp tại Hà Nội” - chị Xoan chia sẻ.

Để có khoản “bỏ lợn”, vợ chồng chị Xoan đã phải chi tiêu tằn tiện, giảm bớt sinh nhật, hội hè… 

Trong khi các gia đình công nhân khác hằng năm tự tổ chức đi du lịch, nghỉ mát thì anh chị không tổ chức đi riêng, chỉ đi khi công ty tổ chức - để tiết giảm chi phí; hạn chế mua sắm, nâng cấp thiết bị, vật dụng trong gia đình…

Tuy nhiên, đến nay, đã 17 năm bám trụ tại Hà Nội, nhưng căn hộ mơ ước của gia đình chị Xoan vẫn chưa thành hiện thực.

Gặp khó khi con không được thi vào trường công

Theo lý giải của chị Xoan, là công nhân lâu năm tại khu công nghiệp nên thu nhập của vợ chồng chị ổn định, tuy nhiên trong những năm gần đây, chi phí sinh hoạt đắt đỏ cộng với gần khu công nghiệp ít có dự án nhà ở xã hội phù hợp với thu nhập nên dự tính mua nhà của gia đình đành phải gác lại.

“Ở cạnh chỗ trọ của tôi cũng có khu nhà ở xã hội dành cho những người thu nhập thấp. Theo tìm hiểu của tôi thì 1 căn hộ có 2 phòng ngủ (diện tích gần 60m2) có giá khoảng 800 triệu đồng. Tôi tính toán, nếu gia đình đã có 300 triệu đồng thì để mua được nhà thì phải vay ngân hàng thêm 500 triệu đồng. Mặc dù tổng thu nhập của vợ chồng tôi cao hơn công nhân mới làm việc một chút (khoảng hơn 20 triệu đồng/tháng) nhưng vẫn không thể kham nổi những khoản chi phí thuê nhà, chi phí điện, nước (khoảng 3 triệu đồng/tháng); tiền học của 2 con (hơn 10 triệu đồng/tháng); tiền sinh hoạt (5 triệu đồng/tháng), tiền vay ngân hàng trả tiền nhà” - chị Xoan chia sẻ.

Được biết, khoản học phí của 2 con chị Xoan cao là do cháu lớn (học lớp 10) phải học trường cấp 3 dân lập do trường cấp 3 công lập không chấp nhận học sinh là người không có hộ khẩu tại Hà Nội thi tuyển.

Anh Thăng - chồng chị Xoan bức xúc cho biết: “Tôi có 2 con (một cháu lớp 10 cháu, cháu còn lại học lớp 3). Con trai lớn của tôi ở cùng bố mẹ trên Hà Nội đã nhiều năm, từ hệ mầm non, tiểu học, trung học, con tôi vẫn được học ở trường công lập. Tuy nhiên, khi lên đến cấp 3, do con tôi không có hộ khẩu ở Hà Nội nên không đủ điều kiện thi vào trường công, mặc dù cháu có học lực khá”. 

Về quy định cha mẹ hoặc học sinh có hộ khẩu mới được thi vào trường cấp 2 công lập, anh Thăng cho rằng, đây là điều quá bất cập và thiệt thòi cho các con vì học tập là quyền lợi chính đáng nhưng lại bị bó hẹp bởi quy định của các cơ quan chức năng của thành phố Hà Nội.

Để có tiền cho con ăn học, vợ chồng anh Thăng phải rất cố gắng nỗ lực và xác định sẽ không có tiền tiết kiệm mua nhà.

“Chắc phải đến “đời con” thì may ra gia đình mới có đủ “điều kiện” để mua nhà ở tại Hà Nội” - anh Thăng ngao ngán!

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn