MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Chị Nga chỉ là số ít nhân viên kế toán trường học đang nhận lương của nhân viên phục vụ trên địa bàn huyện Phúc Thọ, TP Hà Nội. Ảnh: Hạnh Hân

Kế toán trường học khóc ròng khi hưởng lương nhân viên phục vụ

LƯƠNG HẠNH - BẢO HÂN LDO | 20/10/2023 08:31

Áp lực, vất vả, cay đắng... là cảm xúc của chị Đặng Thị Nga (SN 1983) và nhiều nhân viên phục vụ làm công việc kế toán trường học trên địa bàn huyện Phúc Thọ, TP Hà Nội trong suốt nhiều năm qua. Họ không biết phải chờ đợi được chuyển lương về đúng vị trí chức vụ là nhân viên kế toán trường học đến bao giờ?

Chức vụ một đằng, nhận lương một nẻo

Năm 2004, chị Đặng Thị Nga nhận quyết định của UBND huyện Phúc Thọ về làm việc tại Trường Tiểu học Tam Thuấn (huyện Phúc Thọ) với thời gian 6 tháng; nhiệm vụ cụ thể do Hiệu trưởng trường phân công. Chị Nga tiếp tục nhận quyết định công tác tại Trường Tiểu học Thanh Đa (huyện Phúc Thọ) với ngạch nhân viên phục vụ (mã ngạch 01.009) vào năm 2006.

Tháng 10.2014, UBND huyện tiếp tục có quyết định phân công chị Nga làm kế toán. Quyết định này nêu rõ, chị Nga là nhân viên hợp đồng theo Nghị định 68 với Trường Tiểu học Thanh Đa làm kế toán trường này kể từ ngày 1.11.2014 cho đến khi bố trí kế toán mới thay thế.

Tháng 8.2015, chị Nga cảm thấy mệt mỏi, áp lực với công việc kế toán nên xin chuyển sang làm nhân viên phục vụ tại Trường Tiểu học Vân Nam (huyện Phúc Thọ). Ngay cả khi được nâng bậc lương thường xuyên, mức lương của chị cũng chỉ khoảng 2,8 triệu đồng/tháng.

Từ tháng 1.2018 đến nay, chị Nga tiếp được chuyển sang Trường Mầm non Vân Hà làm kế toán. Tuy nhiên, từng ấy năm trôi qua, chị vẫn chỉ nhận mức lương của nhân viên phục vụ. Lần nâng lương gần đây nhất, với mã ngạch của nhân viên phục vụ, bậc 9, hệ số 2,44, chị nhận mức lương chưa đầy 5 triệu đồng/tháng.

Được hỏi về thu nhập, chị Nga bật khóc nức nở: “Tôi không dám ý kiến vì tôi biết, nhiều nhân viên kế toán trên địa bàn huyện Phúc Thọ cũng giống mình. Dù hiệu trưởng chia sẻ với chúng tôi, tạo điều kiện giúp đỡ nhưng lương thấp, tôi vẫn phải làm thêm rất nhiều việc để trang trải cuộc sống”.

Chồng chị Nga làm nghề cơ khí, anh chị có 2 con, một cháu học lớp 10, một cháu học lớp 6. Để đóng học, lo toan chi phí sinh hoạt gia đình, chị Nga phải bán hàng online. Chiều tan làm, thay vì nghỉ ngơi, nữ kế toán lại vội vàng đi lấy hàng, giao hàng, chỉ mong kiếm thêm đồng ra đồng vào...

Chờ đến bao giờ?

Chị Lê Thị Thanh Nga (SN 1981) là một trong những trường hợp mang danh là nhân viên kế toán nhưng chỉ được hưởng lương nhân viên phục vụ tại 1 trường mầm non trên địa bàn huyện Phúc Thọ (TP Hà Nội). Trước đó, từ năm 2004, chị Nga là nhân viên hợp đồng theo Nghị định 68/2000/NĐ-CP tại Văn phòng HĐND và UBND huyện Phúc Thọ. Đến năm 2010, chị có bằng kế toán đại học.

Ngày 15.11.2016, Chủ tịch UBND huyện Phúc Thọ (TP Hà Nội) ban hành quyết định về việc chuyển công tác đối với chị đến nhận công tác làm nhân viên kế toán tại Trường Mầm non Xuân Phú (huyện Phúc Thọ). Quyết định giao Chánh Văn phòng HĐND và UBND huyện thanh lý hợp đồng đối với chị; hiệu trưởng Trường Mầm non Xuân Phú ký hợp đồng với chị. Từ đó đến nay, chị Nga làm nhân viên kế toán của trường mầm non.

“Tuy là nhân viên kế toán nhiều năm qua, có bằng kế toán, nhưng mã ngạch của tôi là nhân viên phục vụ. Tôi hưởng lương nhân viên phục vụ chứ không phải viên chức kế toán hay nhân viên hợp đồng lao động” - chị Nga nói và cho biết thêm, hiện nay hệ số lương của chị là 2,62. Sau khi trừ khoản đóng bảo hiểm xã hội, mỗi tháng nữ nhân viên này chỉ cầm về được 4,2 triệu đồng.

Chồng chị Nga làm nghề tự do, thu nhập không ổn định. Để có thêm thu nhập trang trải cuộc sống, chị Nga bán hàng thanh lý, bán hoa quả…

Nữ nhân viên kế toán cho hay, chị đã nhiều lần đề xuất lên hiệu trưởng nhưng cũng chỉ nhận được lời chia sẻ, động viên vì không thuộc quyền hạn giải quyết. Nhiều lần chị Nga định nghỉ việc, nhưng được sự động viên của ban giám hiệu nhà trường, chị quyết định ở lại.

Chứng kiến nhiều đồng nghiệp cũng làm công việc như mình nhưng đã được là viên chức, được hưởng các chế độ, phụ cấp tương xứng, chị Nga không khỏi chạnh lòng. “Nếu được là viên chức, hoặc chỉ là nhân viên hợp đồng lao động bình thường thì tôi sẽ cảm thấy yên tâm hơn là chỉ là nhân viên phục vụ, trong khi công việc là làm kế toán. Nhưng chúng tôi không biết phải chờ đến bao giờ?” - chị Nga chia sẻ.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn