MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Điều dưỡng, hộ lý Việt Nam làm việc tại Nhật Bản. Nguồn Dolab.

Kênh nào uy tín tuyển điều dưỡng, hộ lý đi làm tại Nhật Bản?

LÊ HOA LDO | 03/10/2017 07:08

Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) cho rằng những điều dưỡng, hộ lý Việt Nam muốn sang làm việc tại Nhật Bản phải tìm hiểu kỹ thông tin về các loại hình xuất khẩu lao động, đơn vị triển khai để tránh những rủi ro.

Triển khai Hiệp định đối tác kinh tế Việt Nam - Nhật Bản (VJEPA), từ năm 2012 đến nay, Cục Quản lý lao động ngoài nước đã phối hợp với phía Nhật Bản tuyển chọn và đưa vào đào tạo tiếng Nhật cho 5 khóa ứng viên điều dưỡng, hộ lý tổng số 960 người. Đến nay đã có 673 điều dưỡng, hộ lý đã được sang làm việc tại các cơ sở tiếp nhận của Nhật Bản.

Các ứng viên đáp ứng các tiêu chuẩn theo quy định nếu được tuyển chọn sẽ tham gia khóa đào tạo tiếng Nhật miễn phí 12 tháng tại cơ sở đào tạo do Bộ LĐTBXH phối hợp với đơn vị đầu mối phía Nhật Bản tổ chức. 

Trong thời gian đào tạo, học viên sẽ được cung cấp miễn phí chỗ ở nội trú, bữa ăn và được hỗ trợ tiền sinh hoạt phí. Kết thúc khóa học, ứng viên sẽ tham gia kỳ thi chứng chỉ năng lực tiếng Nhật cấp độ N3. 

Cục Quản lý lao động ngoài nước phối hợp với đơn vị đầu mối phía Nhật Bản sẽ giới thiệu những người đạt được trình độ tiếng Nhật cấp độ N3 kỳ thi năng lực tiếng Nhật cho các bệnh viện và cơ sở chăm sóc sức khỏe của Nhật Bản với mức lương của ứng viên điều dưỡng khoảng 130.000-140.000 yen/tháng (khoảng 26-28 triệu đồng); hộ lý là 140.000-150.000 yen/tháng (khoảng 28-30 triệu đồng)... 

Tổng số ứng viên điều dưỡng, hộ lý được tuyển chọn để đưa vào đào tạo tại Việt Nam khóa 6 năm 2017 là 240 người. Ứng viên nộp hồ sơ trực tiếp tại Cục Quản lý lao động ngoài nước. Thời gian từ ngày 2.10 đến 22.10.2017.

Trao đổi với báo chí, bà Trần Thị Vân Hà, Trưởng phòng thông tin (Cục Quản lý lao động ngoài nước) cho biết, chỉ có duy nhất kênh tuyển chọn điều dưỡng, hộ lý làm việc tại Nhật Bản theo chương trình VJEPA là hợp pháp. Hiện nay, có một số đơn vị đăng tuyển quảng cáo trên các trang mạng với tiêu chuẩn thấp hơn và đi theo hình thức visa du lịch hoặc du học, nên không được cơ quan quản lý Nhật Bản cấp giấy phép lao động. Do không chính thức, nên người lao động dễ gặp rủi ro khi cơ quan chức năng nước sở tại kiểm tra giấy tờ.

Vì vậy, người lao động phải tìm hiểu kỹ thông tin các loại hình xuất khẩu lao động, đơn vị triển khai để tránh những rủi ro khi làm việc tại Nhật Bản. Phía Nhật Bản cũng cam kết kiểm soát với loại hình lao động theo mã ngành điều dưỡng, hộ lý. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn