MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ảnh minh hoạ: VGP.

Khác biệt trong cách tính lương hưu công chức Nhà nước và người lao động

Mạnh Cường LDO | 03/08/2023 07:20

Pháp luật hiện hành quy định tính lương hưu của cán bộ, công chức Nhà nước theo bình quân tiền lương 5 đến 20 năm cuối tùy theo mốc thời gian bắt đầu tham gia bảo hiểm xã hội. Nhiều người lao động ngoài Nhà nước, đặc biệt là các lao động đóng bảo hiểm xã hội lâu năm, cho rằng cách tính này khác biệt và không công bằng.

Theo Điều 62 Luật Bảo hiểm xã hội 2014, Điều 9 và Điều 10 Nghị định 115/2015/NĐ-CP; Điều 20 Thông tư 59/2015/TT-BLĐTBXH, người lao động có toàn thời gian tham gia bảo hiểm xã hội trong bộ máy Nhà nước thì mức bình quân tiền lương để tính lương hưu bằng 5 năm cuối nếu tham gia bảo hiểm xã hội trước ngày 1.1.1995;

Bằng 6 năm cuối từ ngày 1.1.1995 đến ngày 31.12.2000; bằng 8 năm cuối từ ngày 1.1.2001 đến ngày 31.12.2006; bằng 10 năm cuối từ ngày 1.1.2007 đến ngày 31.12.2015. Trong khi đó, người lao động ngoài Nhà nước được tính bằng tổng thời gian tham gia bảo hiểm xã hội.

Bắt đầu đi làm đóng bảo hiểm xã hội từ tháng 9.2007, bà Hoàng Thị Thanh (48 tuổi) - công nhân cắt vải tại Nam Định đóng bảo hiểm xã hội theo mức lương 710.000 đồng/tháng. Đến năm 2012, mức lương này mới tăng lên được 1,5 triệu đồng. Nếu dựa vào tổng thời gian đóng để tính lương hưu theo bà Thanh khá thiệt thòi cho người lao động.

Mức lương đóng bảo hiểm xã hội của bà Thanh từ khi bắt đầu đi làm và hiện tại. Ảnh: NVCC.

“Trước năm 2010, mức lương đóng bảo hiểm của công nhân chúng tôi chưa đến 1 triệu đồng/tháng. Thời điểm đó 1 triệu đồng mua được nhiều thứ còn bây giờ cầm 1 triệu đồng trên tay, quay đi ngoảnh lại hết bay!" - bà Thanh bày tỏ.

Để minh họa rõ hơn về sự khác biệt chi phí, bà Thanh chia sẻ: “Năm 2008 nhà tôi đong có 6.000 đồng/kg gạo, bây giờ gạo đã lên 16.000 đồng/kg. Thời đó mua mảnh đất 100m2 mặt đường làng chưa đến 40 triệu đồng, bây giờ phải bỏ ra ít nhất 500 triệu đồng mới mua được”.

Theo bà Thanh, nếu áp dụng mức bình quân lương từ khi tham gia bảo hiểm xã hội để tính lương hưu cho mọi đối tượng là hợp lý. Nhưng phân biệt giữa cán bộ, công chức Nhà nước và người lao động tư nhân là bất hợp lý.

Bà Thanh lý giải, cán bộ, công chức Nhà nước chỉ cần dựa vào 10 năm đóng bảo hiểm cuối cùng để tính lương hưu. Dù biết rằng lương cán bộ, công chức Nhà nước không cao nhưng so với lương cơ bản của công nhân vẫn nhỉnh hơn nhiều.

Theo bà Thanh, dù có hệ số trượt giá từng năm hỗ trợ nhưng cũng không đáng kể. Nữ công nhân nhẩm tính nếu chỉ tính 10 năm tham gia bảo hiểm gần nhất, tiền lương hưu chị nhận được cao hơn gần 500.000 đồng/tháng so với phương thức tính tổng số năm tham gia bảo hiểm xã hội.

Ngẫm lại thời điểm bắt đầu nhận lương hưu năm 2019, bà Nguyễn Thị Hoan (64 tuổi), cựu kế toán một công ty xây dựng tại Vĩnh Phúc cảm thấy thiệt thòi với những người cán bộ, công chức Nhà nước.

“Sau 20 năm đi làm, tham gia bảo hiểm xã hội, năm 2019 tôi được hưởng lương hưu 1,8 triệu đồng/tháng. Cùng thời gian tham gia nhưng thời điểm đó, người bạn của tôi làm ở trên huyện đã được hưởng mức lương hưu 2,1 triệu đồng/tháng” - bà Hoan chia sẻ.

Bà Thanh mong muốn có cách tính lương hưu thống nhất với tất cả mọi đối tượng. Ảnh: NVCC.

Mức bình quân lương của bạn bà Hoan được tính theo 6 năm gần nhất. Nếu cũng tính theo mức lương này, lương hưu của bà Hoan thực nhận lên đến 2,3 triệu đồng/tháng.

Chia sẻ với Lao Động, cả bà Thanh và bà Hoan đều cho rằng nên có sự thống nhất cách tính lương hưu với tất cả người lao động, không phân biệt trong hay ngoài Nhà nước. Nếu không thì cũng nên có sự cân nhắc điều chỉnh hệ số nhân 2 hoặc nhân 3 với những lao động ngoài Nhà nước tham gia bảo hiểm trước năm 2010 để đảm bảo cân đối, lương hưu hợp lý khi về già.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn