MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Khách hàng tố bị ngân hàng áp đặt mua chứng chỉ quỹ khi gửi tiết kiệm

Nhóm Phóng Viên Thời Sự LDO | 03/11/2023 12:10

Từ đơn phản ánh của người dân cho rằng bị nhân viên ngân hàng áp đặt mua chứng chỉ quỹ khi đi gửi tiền tiết kiệm, phóng viên Lao Động đã làm việc với các bên liên quan để làm rõ vấn đề.

Khách hàng khẳng định không ký hợp đồng mua chứng chỉ quỹ

Ông Nguyễn Văn Vỹ (60 tuổi) là một cựu quân nhân, hiện làm bảo vệ cho một công ty gần nhà ở huyện Sóc Sơn, TP Hà Nội.

Gửi đơn phản ánh đến Báo Lao Động, ông cho rằng bị nhân viên Ngân hàng T chi nhánh Nội Bài áp đặt mua sản phẩm chứng chỉ quỹ, gây ra nhiều hệ luỵ cho gia đình.

Theo phản ánh của ông Vỹ, tháng 7.2022, sau khi nhận được tiền đền bù đất, ông đem 400 triệu đồng đến gửi tiết kiệm tại Ngân hàng T chi nhánh Nội Bài (TP Hà Nội) - nơi ông là khách hàng thân thiết 20 năm qua. Tại đây, ông được nhân viên ngân hàng tư vấn nên gửi 200 triệu đồng lãi suất cố định và 200 triệu đồng "lãi suất linh hoạt".

Với khoản gửi lãi suất cố định, ông Vỹ nhận được sổ tiết kiệm ngay sau khi gửi. Còn khoản gửi "lãi suất linh hoạt", ông cho biết được nhân viên ngân hàng hướng dẫn cài một app vào điện thoại để quản lý nhưng thời điểm đó cũng không cài được, đồng thời hẹn 2 ngày sau đến lấy sổ.

Vài ngày sau, ông Vỹ nhận được một giấy xác nhận của ngân hàng là có giao dịch gửi số tiền 200 triệu đồng vào Quỹ đầu tư của một công ty con của Ngân hàng T.

Ông Vỹ cho hay, có hỏi lại phía nhân viên ngân hàng tại sao không nhận sổ tiết kiệm mà lại là sổ ghi gửi tiền ở quỹ thì được nhân viên trả lời, có dấu đỏ của ngân hàng, chữ ký của phó giám đốc chi nhánh, lại ghi rõ số tiền gửi rồi nên cứ yên tâm.

"Nhân viên tư vấn là chị B.T.D bảo tôi, đây là lãi suất linh hoạt, khi nào chú cần tiền thì gọi báo điện trước một hôm là hôm sau vào thanh toán, không phải lo gì. Thật tình tôi không biết chứng chỉ quỹ là gì" - ông Vỹ nói. 

5 tháng sau, khi có nhu cầu rút tiền, ông Vỹ ra ngân hàng làm thủ tục tất toán mới vỡ lẽ, sản phẩm chứng chỉ quỹ là một loại hình đầu tư, việc tất toán phức tạp hơn rất nhiều so với gửi tiết kiệm, giá trị rút về còn phụ thuộc vào sự lên xuống của thị trường.

Ông cho hay, những nội dung này đã không được phía nhân viên ngân hàng tư vấn trước đó. Đồng thời, ông khẳng định không ký vào bất cứ hợp đồng mua chứng chỉ quỹ nào và đề nghị chuyển số tiền về tài khoản tiết kiệm như đúng nguyện vọng ban đầu nhưng không được ngân hàng chấp thuận.

Ngân hàng chưa cung cấp được hợp đồng

Cho rằng bị nhân viên ngân hàng áp đặt mua chứng chỉ quỹ, ông Vỹ gửi đơn đề nghị làm rõ sự việc đến Ngân hàng T.

Ngày 4.10, ông nhận được công văn trả lời của ngân hàng khẳng định, ông đã ký hợp đồng kiêm đề nghị mở tài khoản sử dụng dịch vụ chứng khoán và chứng chỉ quỹ.

Tuy nhiên, ông Vỹ khẳng định, nội dung ngân hàng trả lời là không đúng. Đến ngày 19.10, ông có đơn đề nghị phía ngân hàng cung cấp các hợp đồng có chữ ký sống của mình về việc mua chứng chỉ quỹ. Tuy vậy, đến nay, ông chưa được phía ngân hàng cung cấp hợp đồng.

Sau khi phóng viên liên hệ làm việc với Ngân hàng về trường hợp của ông Nguyễn Văn Vỹ, Báo Lao Động nhận được công văn phản hồi của đơn vị phát hành chứng chỉ quỹ (công ty con của ngân hàng T). Doanh nghiệp này khẳng định, khách hàng Nguyễn Văn Vỹ đã thực hiện các giao dịch mua bán chứng chỉ quỹ trên chính tài khoản của mình, với đầy đủ các bước xác thực.

Về vấn đề này, ông Vỹ cho biết, sau khi yêu cầu chuyển số tiền chứng chỉ quỹ về lại tài khoản tiết kiệm không được chấp thuận, mỗi lần cần rút tiền ông lại phải chạy ra ngân hàng nhờ các nhân viên hướng dẫn thao tác giao dịch mua bán chứng chỉ quỹ trên app để lấy tiền về. Số tiền đang bị lỗ khoảng 30 triệu đồng so với ban đầu.

"Từ ngày xảy ra sự việc, tôi mất ăn mất ngủ, vợ chồng lục đục. Số tiền lỗ 30 triệu đồng bằng cả năm làm bảo vệ của tôi. Tôi rất mong phía ngân hàng và cơ quan chức năng làm rõ vấn đề này và có câu trả lời thoả đáng cho tôi" - ông Vỹ nói.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn