MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Neo đậu phương tiện chờ biển lặng để ra khơi tại một cửa biển thuộc xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau. Ảnh: Nhật Hồ

Khai thác gần bờ, nhọc nhằn cuộc mưu sinh

NHẬT HỒ LDO | 27/10/2023 17:39

Cà Mau - Phương tiện nhỏ, trang thiết bị thô sơ, không bảo hiểm, máy dò, chủ yếu ra khơi dựa vào kinh nghiệm... khiến cuộc mưu sinh của những ngư dân đánh bắt gần bờ càng thêm nhọc nhằn mỗi khi đối mặt với sóng to, gió lớn.

Vào mùa mưa bão như hiện nay, mỗi chuyến mưu sinh lại trở nên nhọc nhằn và hiểm nguy gấp bội khi những cơn mưa xuất hiện với mật độ ngày một dày hơn, nặng hạt hơn kèm theo là sóng lớn và triều cường dâng.

Ngư dân trên các phương tiện khai thác thủy sản gần bờ tại Cà Mau luôn đối mặt với nhiều khó khăn. Ảnh: Nhật Hồ

Chiếc vỏ máy cùng một vài tấm lưới, khoảng 2-3 lao động, thậm chí chỉ 1 là đã đủ cho chuyến đánh bắt từ 2-3 giờ sáng tới xế chiều. Ông Trần Văn Hùng - huyện U Minh, tỉnh Cà Mau - nói về nghề của mình: “Hên xui lắm, có lúc hên kiếm vài triệu đồng, nhưng có khi cũng lỗ dầu. Hiện nay hên ít hơn xui, nên cuộc sống vẫn còn chật vật”.

Ông Nguyễn Văn Vũ, thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời khẳng khái, tôm, cá giờ đi đâu hết rồi muốn bắt khó lắm. Hôm nào không ra khơi được thì làm thuê cho các vựa cá, sống qua ngày.

Chờ con nước để ra khơi tại cửa biển Đá Bạc, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau. Ảnh: Nhật Hồ

Sự dị thường của thời tiết đã để lại không ít hậu quả cho những ngư dân khai thác ven bờ, kể cả khi phương tiện neo đậu. Gia đình chị Trần Thanh, ấp Kinh Hòn, xã Khánh Bình Tây là một trong số đó.

Chị Thanh kể lại thiệt hại của gia đình cách đây hơn 1 năm: “Chưa đầy 5 phút là sóng nổi lên đánh dồn dập. Mình ngồi cách đó chưa được 5 mét mà không trở tay kịp. Sóng đánh, vỏ máy bị va đập vào cây rừng ven biển hư hỏng nặng. Lú, lưới bị vùi lấp dưới bùn, một số thu gom về chỉ để bán ve chai. Giữ mạng được là mừng rồi”.

Vệ sinh ngư cụ chuẩn bị ra biển. Ảnh: Nhật Hồ

Cửa biển Đá Bạc, xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời hiện có trên 100 phương tiện đang hoạt động nghề đánh bắt khai thác thủy sản. Trong đó, các phương tiện chủ yếu làm nghề lưới rê, lưới ghẹ, đặt lú bát quái và câu mực mé.

Đa số các phương tiện này có công suất vừa và nhỏ (trọng tải chủ yếu từ 1 – 2 tấn, gắn máy D6 của Trung Quốc, hoặc máy Honda loại nhỏ từ 6 – 12 CV), chủ yếu đánh bắt gần bờ để kiếm sống qua ngày. Trên các phương tiện đi biển thường có 2 đến 3 người, nhưng không đảm bảo an toàn cho người và phương tiện. Thường các chủ phương tiện chỉ trang bị áo phao cá nhân loại nhỏ, máy thông tin liên lạc được sử dụng bằng điện thoại di động. Do tự phát và nhỏ nên những phương tiện không được đăng kí, đăng kiểm.

Hiện đa phần bà con ngư dân khai thác ven bờ chủ yếu dựa vào kinh nghiệm được tích luỹ qua thực tiễn, hay từ người đi trước truyền lại, cả trong hoạt động đánh bắt cho đến quan sát thời tiết...

Biển cả mênh mông, trước mỗi chuyến biển, không ai có thể đoán định được điều gì. Khai thác có ngày thất cũng có ngày trúng, đó là chuyện bình thường.

Thống kê sơ bộ của Sở Nông nghiệp Phát triển Nông thôn tỉnh Cà Mau có đến hơn 1.350 phương tiện khai thác từ 20CV đến dưới 90CV được đăng ký. Số khai thác thủy sản có công suất nhỏ hơn chưa đăng ký có đến hàng nghìn chiếc. Tỉnh Cà Mau không khuyến khích đánh bắt gần bờ nhằm bảo vệ môi trường, tái tạo nguồn cá tự nhiên. Tuy nhiên, chuyển đổi nghề cho trên 10.000 lao động hàng ngày bám biển không phải chuyện dễ dàng.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn