MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Hương nén xong được phơi trên giàn để đảm bảo giữ nguyên vẹn màu sắc và hương thơm. Ảnh: Lan Như

Khám phá làng nghề se “sợi nối tâm linh”

Lan Như - Phương Nga LDO | 02/01/2021 14:00

Hương xạ là sản phẩm truyền thống đã trở nên quen thuộc với người dân Hưng Yên. Những ngày này làng nghề sản xuất hương tại Cao Thôn (xã Bảo Khê, Hưng Yên) nhộn nhịp khác thường.

Rộn ràng hương xạ

Cao Thôn nổi tiếng với nghề làm hương hơn 200 năm nay, về thăm thôn lúc này không khí thật náo nhiệt. Dọc quốc lộ 39, không khó để quan sát thấy nhiều gian hàng bày bán hương như hương quế, hương đen, hương vòng, hương trầm… Mùi thơm lan khắp ngõ ngách.

Vốn là sản phẩm truyền thống, nghề làm hương xạ ở Cao Thôn được lưu truyền từ đời này sang đời khác. Trải qua bao thăng trầm hương xạ dần khẳng định được vị thế bởi mùi thơm dịu nhẹ, nhanh cháy, lâu tàn, màu sắc an toàn và bắt mắt. Cứ độ tết đến nhu cầu mua hương càng cao.

Ngoài khách mua số lượng lớn theo đơn đặt hàng còn có rất nhiều khách lẻ tìm về làng nghề này.

Điểm đặc biệt của hương Cao Thôn là không bao giờ sấy bằng nhiệt. Vì như thế sẽ khó giữ được chất thanh khiết của thảo mộc có trong hương. Bởi lẽ đó, hương thường được phơi ở khắp các sân nhà, những nơi có khoảng rộng, nắng vàng để dễ dàng lưu mùi thơm và màu sắc.

Việc ứng dụng thêm các loại máy móc vào khâu tạo thành phẩm giúp nâng cao năng suất cũng như tạo được sự đồng đều về kiểu dáng que hương. Ảnh: Lan Như

Theo người dân trong thôn, để kịp phục vụ cho nhu cầu ngày tết, những năm gần đây thợ làm hương đã thay đổi cách thức sản xuất.

Không đơn giản chỉ làm thủ công như trước, họ bắt đầu kết hợp máy móc vào từng công đoạn sao cho đạt năng suất cao. Chỉ với một chiếc máy nhỏ gọn cộng thêm bàn tay khéo léo của người thợ, sau vài phút ngắn ngủi đã có thể tạo ra được một thúng hương hơn trăm thẻ.

Ông Nguyễn Minh Quang, người gắn bó với nghề làm hương nhiều năm nay cho biết: “Dịp cận tết, người thợ thường phải dậy từ rất sớm và làm việc không ngừng nghỉ để kịp đáp ứng số lượng đặt mua của khách hàng. Trung bình mỗi ngày, một cơ sở sản xuất gần 5 vạn que hương".

Nức tiếng gần xa

Vốn gắn với nghiệp tâm linh, người Cao Thôn cho rằng, làm hương không thể cẩu thả, phải nghiêm túc, chỉn chu từng giai đoạn. Mỗi mẻ hương người thợ đều phải đốt thử trước xem có cháy đều không mới đóng gói đem bán.

Chính nhờ sự chu đáo, kỳ công đó đã mang lại uy tín và nổi tiếng cho hương Cao Thôn, để khi nhắc đến Hưng Yên người ta không thể không nhắc về hương xạ.

Ngày làm việc của những người thợ se “sợi nối tâm linh” bắt đầu từ khoảng 3, 4 giờ sáng. Từ phát thuốc, nhúng nước, nhúng hương rồi đợi đến khi mặt trời lên là bắt đầu mang đi phơi cho kịp nắng.

Sau khi phơi khô, hương xạ được mang vào nhà chuẩn bị đến bước đóng gói cung cấp ra thị trường. Ảnh: Lan Như

Là vị khách quen thuộc của hương xạ làng Cao Thôn, chị Quỳnh Trang (Vũ Thư, Thái Bình) cho biết: “Tôi thực sự rất thích khi tới thăm làng nghề hương xạ tại Cao Thôn. Tôi thấy sản phẩm này rất tốt đặc biệt là mùi thơm. Mỗi năm có dịp về thăm người thân ở đây tôi đều ghé lại và mua về thắp cho các cụ”.

Nghề làm hương đem lại thu nhập chính cho nhiều người dân trong làng. Trung bình mỗi vạn hương sẽ có giá khoảng 5 triệu đồng. Nhờ hình thức đẹp, chất lượng tốt khách hàng không chỉ trong tỉnh, ngoài tỉnh mà hương trong làng đã xuất bán ra nước ngoài.

Để đáp ứng đòi hỏi ngày càng cao của thị trường, cả làng Cao Thôn không ngừng đổi mới và sáng tạo. Do vậy, nén nhang đã trở thành đại diện thiêng liêng trong tín ngưỡng tâm linh của người Việt. Vào những ngày năm hết tết đến, không thể thiếu hương dâng lễ đầu năm để cầu cho một năm mới may mắn trong cuộc sống và bình an trong tâm hồn.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn