MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Hình ảnh gây lo lắng, hoang mang cho người dân ngay bên trong nhà kho. Ảnh: LPL

Khẩn trương xử lý kho thuốc sâu độc hại “bỏ quên” giữa lòng thành phố

LÊ PHI LONG LDO | 08/10/2021 13:00

Sau khi báo Lao Động phản ánh về việc một kho thuốc sâu độc hại “bỏ quên” giữa lòng thành phố trong thời gian dài, các cơ quan chức năng tại Quảng Bình đã kiểm tra và kết luận phản ánh là đúng; đồng thời yêu cầu Công ty CP Vật tư nông nghiệp Quảng Bình nhanh chóng xử lý để bảo vệ sức khỏe người dân.

Ngày 8.10, UBND TP.Đồng Hới (tỉnh Quảng Bình) cho biết, vừa phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường (TNMT) tiến hành kiểm tra công tác bảo vệ môi trường tại kho thuốc bảo vệ thực vật của Công ty CP Vật tư nông nghiệp Quảng Bình liên quan đến bài viết “Kho thuốc sâu độc hại “bỏ quên” giữa lòng thành phố” mà báo Lao Động phản ánh.

Theo đó, đại diện Phòng Quản lý môi trường, Thanh tra Sở TNMT, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật đã phối hợp cùng Phòng TNMT TP.Đồng Hới, UBND phường Bắc Lý và lãnh đạo Công ty CP Vật tư nông nghiệp Quảng Bình đã đến kiểm tra tình hình thực tế kho thuốc bảo vệ thực vật tại tổ dân phố 9 (phường Bắc Lý, TP.Đồng Hới).

Theo báo cáo, kho thuốc trên được xây dựng từ năm 1995 thuộc đất quản lý của công ty. Trước đây, kho được dùng để chứa phân bón và các loại thuốc bảo vệ thực vật nhằm phục vụ cho hoạt động kinh doanh của công ty. 

Từ năm 2016 đến nay, công ty không hoạt động kinh doanh mua, bán hóa chất bảo vệ thực vật.

Vật liệu ở trong kho được cho là thuốc sâu, được cất giữ và bảo quản sơ sài. Ảnh: LPL

Tại thời điểm kiểm tra, trong kho còn tồn lưu một lượng hóa chất bảo vệ thực vật và phân bón lá, gồm các loại sau: Thuốc trừ cỏ Vithofit 300EC sản xuất ngày 17.5.2015; thuốc trừ cỏ Star 10 WP của sản xuất ngày 26.2.2013, thuốc trừ cỏ Vifoạt 480Đ sản xuất ngày 27.9.2002; phân bón lá Đầu Trâu sản xuất năm 2003 và một số loại khác chưa xác định được do điều kiện về bảo hộ lao động, vì vậy chưa xác định được lượng cụ thể. 

Nhà kho mà các hóa chất bảo quản bên trong nhiều chỗ đã bị mục nát. Ảnh: LPL

Tất cả đều đã hết hạn sử dụng và không thể tái chế, được công ty phủ bạt che chắn. Theo cảm quan của đoàn kiểm tra, vẫn ngửi thấy mùi hôi của hóa chất bảo vệ thực vật khi đứng trước cửa kho.

Trước đây, xung quanh kho thuốc bảo vệ thực vật là bãi đất trống thuộc sở hữu của Công ty CP Vật tư nông nghiệp Quảng Bình. Năm 2012, công ty đã trả lại phần lớn diện tích đất trống cho nhà nước quản lý, chỉ sử dụng trụ sở để điều hành công việc và kho chứa thuốc bảo vệ thực vật, phân bón để phục vụ hoạt động kinh doanh. 

Thời gian gần đây, nhiều hộ dân đã mua đất tại khu vực công ty trả lại để xây dựng nhà cửa, sinh sống và định cư. Khi phát hiện có kho thuốc trên, người dân đã phản ánh và kiến nghị xử lý.

Trước tình hình thực tế trên, đoàn kiểm tra kết luận, nội dung Báo Lao Động phản ánh kho thuốc bảo vệ thực vật của Công ty CP Vật tư nông nghiệp Quảng Bình gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân xung quanh là đúng.

Đồng thời, yêu cầu Công ty CP Vật tư nông nghiệp Quảng Bình khẩn trương liên hệ với đơn vị có chức năng thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải nguy hại để thực hiện việc chuyển giao hết lượng hóa chất bảo vệ thực vật còn tồn lưu trong kho và các bao chứa, vật dụng có liên quan đến hóa chất bảo vệ thực vật tồn lưu để xử lý đảm bảo theo đúng quy định.

Đoàn kiểm tra cũng yêu cầu trong quá trình chuyển giao xử lý, Công ty Công ty CP Vật tư nông nghiệp Quảng Bình có trách nhiệm mời đại diện lãnh đạo UBND phương Bắc Lý chứng kiến, giám sát. Thực hiện vệ sinh kho chứa để tránh gây ô nhiễm ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân xung quanh, thời gian hoàn thành trước ngày 10.10.2021.

Nhà kho được che chắn tạm thời sau khi báo Lao Động phản ánh, đợi xử lý. Ảnh: LPL

Trong thời gian chưa chuyển giao xử lý, công ty phải có biện pháp tăng cường che chắn, bảo quản nhằm giảm thiểu mùi hôi phát tán ra môi trường xung quanh gây ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân xung quanh.

Trước đó, như báo Lao Động đã phản ánh, kho thuốc sâu trên bị “bỏ quên” ngay giữa lòng khu dân cư, bên trong có đủ các loại thuốc khác nhau, từ dạng nước đến dạng bột. Tuy nhiên, phần lớn trong số đó đã hết hạn và được bảo quản rất sơ sài. Thực trạng trên đã khiến người dân rơi vào tình cảnh phải “sống chung” với kho thuốc trừ sâu, ngày đêm nơm nớp lo sợ sự nguy hại đến sức khỏe và ô nhiễm môi trường.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn