MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Tà áo dài nổi bật trên phố cổ Hà Nội chiều cuối năm. Ảnh: Kiều Vũ

Khi áo dài bay trên phố Hà Nội

Kiều Vũ LDO | 12/02/2024 17:06

Trong những người bạn nước ngoài của tôi không ở lại ăn Tết cổ truyền Việt Nam có Taiwo, người Nigeria. Rời Việt Nam đúng vào ngày 29 Tết Giáp Thìn, điều Taiwo tiếc nhất là không được ngắm những tà áo dài trên đường phố Hà Nội.

Trước Tết Nguyên đán khoảng nửa tháng, Taiwo hỏi tôi: "Người Việt Nam mặc áo dài vào những dịp nào?".

Tôi trả lời, áo dài có thể mặc vào dịp lễ, Tết; áo dài cũng là trang phục công sở của một số cơ quan.

Taiwo lại hỏi "Sao bây giờ chưa Tết mà đã thấy nhiều người, cả người có tuổi và người trẻ tuổi mặc áo dài chụp ảnh ở Bờ Hồ?".

Vì câu hỏi đấy mà tôi dành một buổi chiều cuối tuần để kể cho Taiwo về bộ áo dài, nhưng không phải là lịch sử của chiếc áo dài, vì điều này Taiwo có thể tìm thấy rất nhiều trên mạng.

Thế hệ 7X chúng tôi, để có một bộ áo dài mặc trong lễ tốt nghiệp Đại học phải tốn khá nhiều tiền. Gia đình một số bạn có điều kiện, lại thích áo dài thì đã may luôn 1 bộ áo dài từ năm học thứ 2.

Một cô bạn tôi, mỗi khi rủ lên Hồ Tây chơi đều mặc bộ áo dài trắng có vẽ hoa sen, đi xe đạp mifa (một loại xe đạp của Đức được những người đi lao động ở Đức gửi hoặc mang về - người viết). Tà áo dài bay trong gió khiến nhiều người phải ngoái lại nhìn.

Thời ấy, để may áo dài, mọi người thường lên phố Cầu Gỗ, may ở cửa hàng của 2 anh em (anh một cửa hàng, em một cửa hàng). Không nhớ chính xác tên nhưng tôi vẫn nhớ cả 2 cửa hàng đều bé – một trong những đặc trưng của nhà mặt phố ở phố cổ Hà Nội. Thường thời gian may từ 2 tuần, có khi lên cả tháng.

Sau này, may một bộ áo dài không còn khó khăn như trước nhưng có một khoảng thời gian rất dài, mọi người thích đồ Âu hơn. Rồi đến lúc áo dài quay trở lại, bằng cả kiểu truyền thống lẫn cách tân. Nhiều công sở chọn áo dài làm đồng phục. Bất kỳ lễ, Tết hay ngày cuối tuần, mọi người đều có thể mặc áo dài đi chơi, chụp ảnh, đăng lên trang cá nhân.

Kiểu dáng áo dài và chất liệu để may áo dài không còn hạn chế như trước đây; giá cả cũng ở biên độ rất rộng, có thể vài trăm ngàn đến cả tiền triệu (chưa kể vải). Người ta cũng có thể phối áo dài với các loại giày dép chứ không như trước đây, là giày có gót…

Năm ngoái, có việc vào Đà Nẵng 2 ngày, tôi mang theo mảnh lụa Nha Xá. Người bạn đưa đến tiệm may áo dài nằm sâu trong ngõ – bà chủ tiệm chuyên may áo dài cho các cô giáo. Buổi sáng đưa vải, tôi cẩn thận ghi rõ địa chỉ ở Hà Nội để bà chủ tiệm gửi ra. Nhưng đến tối đã thấy điện thoại gọi tôi đến thử đồ. Quá bất ngờ, tôi hỏi "sao may nhanh vậy", bà chủ tiệm cười nhẹ nhàng: "Nghe nói mai em đi Hội An nên chị may nhanh để em có đồ mặc chụp hình phố cổ". Điều làm tôi bất ngờ hơn là công may vẫn như bình thường, chỉ 200.000 đồng…

Nhiều nhóm bạn trẻ lên Bờ Hồ chụp ảnh với trang phục áo dài với sự đầu tư đáng kể. Ảnh: Kiều Vũ

Mùa thu năm 2023, tôi ở gần phố Phan Đình Phùng, ngày nào đi làm về con phố này cũng tắc cứng vì các tà áo dài đến chụp ảnh. Những ngày gần Tết Nguyên đán, Hà Nội mưa phùn gió bấc mà cả phố Tạ Hiện, người diện áo dài đến chụp ảnh vẫn đông. Rồi, những ngày thời tiết đẹp, các bạn trẻ, người cầm cành đào, người cầm đôi cành lay ơn cùng nhánh violet tím, diện áo dài lên Bờ Hồ chụp ảnh.

Nghe tôi kể những điều này, Taiwo bảo: “Như vậy áo dài không phải là thời trang mà là trend (xu hướng) nhưng phải nói, phụ nữ Việt Nam mặc áo dài rất đẹp, nhất là khi họ mặc áo dài truyền thống, quàng trên vai chiếc khăn”.

Tôi trả lời Taiwo: “Đấy chính là hình ảnh của phụ nữ Việt Nam từ rất nhiều năm trước, nay lại được các bạn trẻ làm đẹp thêm bởi cả những bộ áo dài cách tân”.

Trước giờ ra sân bay, Taiwo nhắn cho tôi: "Tôi vẫn thích áo dài truyền thống hơn áo dài cách tân. Tháng 5.2024, tôi trở lại Hà Nội, chị có thể đưa tôi đi may 1 bộ áo dài truyền thống của nam được không?”.

Tôi thả tim cho tin nhắn đó như lời hứa với một người đã yêu Hà Nội, yêu Việt Nam qua tà áo dài.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn