MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Một dự án "treo", lãng phí tại Tân Kỳ (Nghệ An). Ảnh: PV

Khi công chức “thích” nghỉ ngơi, ỷ lại

QUẢNG NGUYÊN LDO | 13/03/2018 11:00
Việc bà Trần Thị Mỹ Hạnh - Phó Giám đốc Sở VH&TT Nghệ An - đề xuất xin nghỉ vào Ngày Gia đình Việt Nam cho thấy tư duy thích nghỉ ngơi, hưởng thụ của một bộ phận không nhỏ công chức hiện nay.

So với công nhân, lao động tự do, công chức, viên chức hiện nay đã được hưởng nhiều ưu đãi về ngày nghỉ, thời gian làm việc, các chế độ chính sách khác. 

Tuy nhiên, tình trạng “sớm cắp ô đi tối cắp về”, đi muộn về sớm, làm việc thiếu trách nhiệm còn khá phổ biến.

Đoàn thanh tra công vụ của các địa phương đi đến đâu, hầu như cũng bắt gặp tình trạng vi phạm như làm việc không đúng giờ, bỏ vị trí đi làm việc riêng, uống càphê, vắng không có lý do...

Một cán bộ Sở Nội vụ Nghệ An chia sẻ: Một bộ phận công chức, cán bộ của chúng ta chưa đam mê công việc, làm việc chưa tròn trách nhiệm. “Cho nên, trước hết phải yêu cầu công chức làm việc đúng, đủ giờ”, vị cán bộ trên nói.

Nhiều nhân viên bưu tá cho hay: Công sở họ hay đóng cửa về trước giờ lắm.

Lâu nay, chúng ta thường tính thiệt hại về kinh tế do hành vi cố ý làm trái, tham nhũng, yếu kém của cán bộ, công chức qua các vụ việc, dự án.

Tuy nhiên, có một thiệt hại khác, vô cùng lớn và không dễ đong đếm, là do cán bộ công chức làm việc đối phó, thiếu trách nhiệm, “ăn cắp” thời gian tại công sở.

Một trong những nguyên nhân quan trọng để có hiện tượng “thần kỳ Nhật Bản” là công chức, người dân Nhật đam mê công việc, làm việc tận tâm. Không ít người đã chết vì làm việc quá sức.

Do đó, việc một lãnh đạo Sở VHTT lên tiếng xin thêm một ngày nghỉ vào 28.6 hàng năm cho công chức, viên chức, dẫn đến phản ứng của dư luận. Đề xuất nói trên, dù chưa gây ra hậu quả, và chắc chắn không được chấp nhận, nhưng phản ánh một lối tư duy có hại cho sự phát triển chung.       

Tương tự, là tư duy ỷ lại, trông chờ vào cấp trên, vào ngân sách, dự án của không ít cán bộ công chức các địa phương. Một hiện tượng phổ biến là nhiều cán bộ địa phương luôn trông chờ, tìm cách “xin” dự án từ trung ương. Dự án có quy mô nhỏ, thì tìm cách “vẽ” ra cho to; dự án chưa cấp bách thì cũng kêu là cấp bách; hoặc tìm những cái cớ hợp lý để được phê duyệt, với suy nghĩ “mình không xin được thì nơi khác họ xin mất”.

Không ít dự án, sau khi hoàn thành, thì rơi vào tình trạng lãng phí, không phù hợp, không có tác dụng, không có hiệu quả, bỏ hoang.

Trong khi đó, ngân sách trung ương cũng gặp nhiều khó khăn, phải căn cơ, thắt chặt chi tiêu.               

Với những cán bộ có lối làm việc, tư duy như thế, thì đất nước không biết bao giờ mới “hóa rồng”?

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn