MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Khi đi làm ngày lễ trở thành chuyện bình thường

LƯƠNG HẠNH LDO | 01/05/2023 16:36

Hiện nay, làm việc dịp lễ, Tết đã trở thành chuyện bình thường với người lao động. Khi mức thu nhập gấp 3-4 lần tiền lương ngày thường, người lao động sẵn sàng gác lại các chuyến du lịch hay về thăm gia đình để đi làm dịp này. 

Hưởng lương gấp 4 lần ngày thường

Hiện tại, chị Nguyễn Thùy Trang (Cầu Giấy, Hà Nội) là nhân viên Telesale của một công ty về thẩm mỹ trên địa bàn Hà Nội. Lương cơ bản khoảng 6 triệu đồng, nếu hoàn thành các chỉ tiêu được giao, chị sẽ được nhận thêm phần tiền thưởng từ 2-3 triệu đồng.

Dịp nghỉ lễ 30.4 và 1.5 năm nay, 50% nhân viên công ty chị Trang phải đến làm việc tại trụ sở công ty. Gia đình đều ở Hà Nội, chị Trang cũng đăng ký ở lại làm việc những ngày này.

Chị Trang đi làm vào ngày lễ 30.4 và 1.5. Ảnh: Lương Hạnh.

Chị Trang cho hay, đa số những người đi làm đều ở tại Hà Nội. Nữ nhân viên tiết lộ, những người đi làm dịp này đều được hưởng lương gấp 4 lần ngày thường.

“Công việc của tôi chủ yếu là gọi điện tư vấn và mời khách. Bên cạnh đó, khách cần hỗ trợ gì thì tôi sẽ chuyển đến bộ phận chuyên môn để giải quyết. Những ngày này, khi gọi điện tư vấn cho khách có 2 trường hợp xảy ra. Trường hợp thứ nhất là khách không nghe máy, trường hợp còn lại là dịp lễ nên họ rảnh, họ đồng ý đến trải nghiệm dịch vụ luôn. Tôi may mắn ở trường hợp thứ 2” – chị Trang tâm sự.

Trước đó, chị Trang đã cùng gia đình đi du lịch và tranh thủ gặp gỡ bạn bè. Cũng từ lâu, chị không đi du lịch vào những ngày lễ, tết. Ngoài sợ cảnh chen chúc, đông đúc, chị cho rằng việc đi làm ngày lễ giúp người lao động gia tăng thu nhập.

“Những ngày lễ, mỗi ngày tôi chỉ gọi tư vấn khoảng 200 khách, mỗi khách tốn từ 1-2 phút. Công việc này giúp tôi rèn luyện giọng nói, tính cách kiên nhẫn và xử lý tình huống theo từng yêu cầu của mỗi khách hàng. Số tiền lương tôi nhận lại cũng xứng đáng” – chị Trang tâm sự.

Trải nghiệm nên có

Chị Hoàng Thị Thúy (Sóc Sơn, Hà Nội) xin làm công việc bán thời gian với vị trí nhân viên phục vụ mặt đất tại Cảng hàng không Quốc tế Nội Bài. Chị Thúy cho biết, công việc chính của chị là đón khách xuống sân bay, hướng dẫn khách lên xe buýt để trở về khu vực sân bay. Hiện nay, thu nhập của chị 7,5 triệu đồng/tháng.

Dịp lễ 30.4 và 1.5 nhu cầu đi lại của hàng khách tăng cao, sân bay luôn luôn nhộn nhịp. Do đó, công việc của chị bận rộn hơn ngày thường. Theo chị Thúy, đi làm dịp này cũng được hỗ trợ thêm tiền công.

“Còn trẻ, nên tôi luôn cố gắng làm việc chăm chỉ. Sau đó, tôi sẽ dành một buổi để xả hơi, đi chơi với bạn bè. Đối với tôi đi làm những ngày lễ cũng khá thú vị, là những trải nghiệm khó quên với nhân sự trẻ” – chị Thúy tâm sự.

Đi làm ngày lễ trở thành xu hướng hiện nay. Ảnh minh họa: Minh Hương.

Ở một số cơ quan, doanh nghiệp, đơn vị… do đặc thù công việc, người lao động vẫn phải đảm bảo chế độ làm việc vào những ngày nghỉ lễ, Điều 98 Bộ luật Lao động 2019 quy định:

Trường hợp người lao động làm thêm vào dịp lễ Ngày Chiến thắng 30.4 và Ngày Quốc tế lao động 1.5 thì tổng số giờ làm thêm không quá 12 giờ trong một ngày.

Người lao động được trả lương ít nhất bằng 300% tiền lương tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương thực trả cho công việc đang làm, chưa kể tiền lương ngày lễ, tết, ngày nghỉ có hưởng lương đối với người lao động hưởng lương ngày.

Trường hợp người lao động đi làm vào ngày thứ bảy, chủ nhật thì được trả lương ít nhất bằng 200% tiền lương tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương thực trả cho công việc đang làm, chưa kể tiền lương ngày lễ, tết, ngày nghỉ có hưởng lương đối với người lao động hưởng lương ngày.

Trường hợp làm thêm giờ vào ban đêm thì người lao động được trả thêm các khoản như phụ cấp ít nhất bằng 30% tiền lương tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương thực trả cho công việc của ngày làm việc bình thường.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn