MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Khi nào xác định được quan hệ vợ chồng hoàn toàn chấm dứt hợp pháp?

Phương Minh LDO | 27/08/2022 12:00

Ly hôn là việc chấm dứt quan hệ vợ chồng theo bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án.

Theo Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014, hiện vợ chồng có thể ly hôn theo hai hình thức:

Ly hôn đơn phương (trong Luật quy định đây là hình thức ly hôn theo yêu cầu của một bên tại Điều 56 Luật HN&GĐ năm 2014): Đây là hình thức ly hôn của mình vợ hoặc mình chồng, khi hai bên không hòa giải thành và Tòa sẽ giải quyết nếu có căn cứ cuộc hôn nhân này không thể kéo dài, trầm trọng gồm: Vợ, chồng có hành vi bạo lực gia đình; Vợ chồng vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ vợ chồng như ngoại tình, thường xuyên cãi nhau, đánh nhau...

Ly hôn thuận tình: Cả hai vợ chồng đã thỏa thuận được về việc ly hôn, nuôi con, chia tài sản... và yêu cầu Tòa án công nhận thỏa thuận đó.

Và để được Tòa án giải quyết ly hôn, dù bằng hình thức nào, vợ, chồng cũng phải thực hiện các bước sau: Chuẩn bị và nộp đơn ly hôn, hồ sơ ly hôn đến Tòa. Sau khi thấy đủ điều kiện giải quyết, Tòa án sẽ tổ chức hòa giải:

Với ly hôn đơn phương: Nếu không hòa giải được thì Tòa án sẽ mở phiên tòa để giải quyết tranh chấp về ly hôn.

Sau khi phiên tòa diễn ra, trong 3 ngày làm việc kể từ ngày kết thúc phiên tòa, vợ chồng sẽ được cấp trích lục bản án ly hôn. Kể từ ngày tuyên án, Tòa án sẽ gửi bản án cho vợ chồng trong thời hạn 10 ngày.

Với ly hôn thuận tình: Trong thời hạn 5 ngày làm việc kể từ ngày ra quyết định ly hôn, Toà án sẽ gửi quyết định này cho vợ chồng.

Vậy khi nào quan hệ vợ chồng hoàn toàn chấm dứt?

Ly hôn thuận tình:

Quyết định công nhận sự thoả thuận của các đương sự có hiệu lực pháp luật ngay sau khi được ban hành và không bị kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm.

Như vậy, nếu vợ chồng ly hôn thuận tình, quyết định ly hôn thuận tình sẽ có hiệu lực pháp luật sau khi được ban hành. Do đó, ngày sau khi được ban hành quyết định ly hôn thuận tình, việc ly hôn của hai vợ chồng đã chính thức có hiệu lực, vợ chồng thật sự đã chấm dứt quan hệ hôn nhân, gia đình.

Ly hôn đơn phương

Thời hạn kháng cáo đối với bản án của Tòa án cấp sơ thẩm là 15 ngày, kể từ ngày tuyên án; đối với đương sự, đại diện cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân khởi kiện không có mặt tại phiên tòa hoặc không có mặt khi tuyên án mà có lý do chính đáng thì thời hạn kháng cáo được tính từ ngày họ nhận được bản án hoặc bản án được niêm yết.

Đồng thời, Khoản 1 Điều 280 Bộ luật Tố tụng dân sự cũng quy định:

Thời hạn kháng nghị đối với bản án của Tòa án cấp sơ thẩm của Viện kiểm sát cùng cấp là 15 ngày, của Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp là 1 tháng, kể từ ngày tuyên án. Trường hợp Kiểm sát viên không tham gia phiên tòa thì thời hạn kháng nghị tính từ ngày Viện kiểm sát cùng cấp nhận được bản án.

Theo các quy định này, nếu bản án ly hôn hết thời hạn kháng cáo (15 ngày kể từ ngày tuyên án) và hết thời hạn kháng nghị của Viện kiểm sát (15 ngày nếu Viện kiểm sát cùng cấp kháng nghị; 1 tháng nếu Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp kháng nghị) mà không có kháng cáo hoặc kháng nghị thì sẽ chính thức có hiệu lực pháp luật.

Như vậy, nếu hai vợ chồng thuận tình ly hôn thì sau khi Toà án ra quyết định ly hôn, việc ly hôn của vợ chồng có hiệu lực ngay; nếu là đơn phương ly hôn thì sau 15 ngày kể từ ngày tuyên án, không có kháng cáo của vợ chồng hoặc kháng nghị của Viện kiểm sát cùng cấp thì bản án ly hôn sẽ có hiệu lực pháp luật.

Đồng nghĩa, trong thời gian nêu trên, quan hệ vợ chồng sẽ hoàn toàn chấm dứt.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn