MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Phong bì đã bị hiểu sai là cái hồng bao. Ảnh: Từ Ân

Khi phong bì được hiểu là cái hồng bao

Nguyên Đức LDO | 20/09/2022 09:32
Những ngày qua, dư luận có những điều tiếng tranh luận quanh hình ảnh cái phong bì, với ý nghĩa tiêu cực nhiều hơn là tích cực. 

Phải chăng biến tướng của một xã hội tiêu dùng nặng tính thị trường, vật chất hóa, đã làm thay đổi ý nghĩa của phong bì, vật dụng chứa đựng đơn giản thành một nghĩa khác?

Suy xét lại trong ngôn ngữ Việt, chữ phong bì, thuần túy chỉ là vật dụng bên ngoài, đựng thư tín, giấy tờ… khi người ta cần vận chuyển, trao đổi cho nhau. Phong bì, phong thư, phong bao… đều có cùng ý nghĩa như vậy.

Với gốc chữ Hán Việt, phong bì, được gọi là “tín phong”, nghĩa là vật dụng dùng dán kín, đậy kín lại, cũng tức bao thư, bì thư…

Tuy nhiên, trong văn hóa giao tiếp của người Hán, mà phong tục Việt Nam có bị ảnh hưởng, việc trao gửi cho nhau giữa mọi người còn có một hình thức khác, ấy là tặng tiền mừng, trao quà mừng cho nhau.

Tại Trung Quốc và trong cộng đồng người Hoa, cộng đồng văn hóa Hán ngữ, từ lâu đã có tập tục “tặng hồng bao” cho nhau. Từ này, được dùng trong tiếng phổ thông Bắc Kinh (Quan thoại), là “hồng bao”, chỉ về bao giấy màu đỏ đựng tiền bên trong, được người dùng gửi cho nhau.

Trong tiếng Quảng Đông, được đông đảo người gốc Hoa tại Việt Nam sử dụng ở miền Nam, sẽ gọi là “túi lì xì”, với các nghĩa từ: Lợi thị (số tiền lãi thu được từ việc mua bán và điều may mắn, lời chúc mừng); lợi sự (sự việc may mắn, tốt đẹp, có lợi)

Việc trao gửi hồng bao hay túi lì xì này rất phổ biến ở xã hội Trung Quốc, như trong ngày sinh nhật, đám cưới, lễ khai trương, người chủ sẽ tặng hồng bao cho khách, cho người đến giúp việc, hoặc chính khách mời tặng hồng bao cho gia chủ để chúc mừng… Nhất là dịp lễ tết, người lớn hay tặng hồng bao, là các túi tiền lẻ, cho trẻ em, để cầu phúc may mắn cho trẻ.

Bởi liên quan đến tục lệ này, khi kinh tế đất nước chuyển hướng theo cơ chế thị trường tự do cạnh tranh, việc trao gửi lợi nhuận tài chính, tiền lãi qua mua bán làm ăn giữa các cá nhân, tổ chức dần phổ biến, thì ý nghĩa hồng bao, hay lì xì… được chú ý.

Quan hệ giữa người kinh doanh với nhau, dần biến tướng theo nghĩa hợp tác kiếm lợi như vậy, và hình ảnh những chiếc hồng bao trở nên quen thuộc, với cộng đồng xã hội được hiểu là những chiếc phong bì chứa đựng các giá trị vật chất, tiền bạc bên trong.

Dần dà, việc thụ hưởng những khoản tiền “lì xì” ở các hợp đồng làm ăn, dự án đầu tư… ngày càng biến tướng đi, tiêu cực hóa theo sự thoái hóa, biến chất của một số thành phần xã hội, giới chức công quyền…

Chính từ thực trạng này, từ dùng phong bì ở nghĩa truyền thống, đơn giản trong sáng nhất, đã bị hiểu sai lệch dần với những ngữ nghĩa ngầm ẩn mới, thật sự đã tác động xấu đến nhận thức, suy nghĩ, quan điểm của toàn xã hội.

Phong bì bị hiểu thành vật dụng chứa đựng những lợi ích nhất định của người trao người nhận, hành động đưa phong bì bị hiểu thành hiện tượng tiêu cực.

Như vậy, bởi những tác động, biến thiên trong hoạt động kinh tế xã hội, bị ảnh hưởng tiêu cực từ cơ chế thị trường, phong bì trong tiếng Việt hiện nay đã bao hàm thêm những ngữ cảnh, ý nghĩa tiêu cực, lồng ghép pha trộn giữa nghĩa cơ bản là bao thư, bì thư, với nghĩa phát triển là hồng bao, lì xì, hành động chung chi, chia chác lợi ích…

Khi số đông người trong xã hội quy nạp nghĩa phong bì chỉ theo hướng này, chọn từ phong bì nghĩa là cái “hồng bao”, thật sự đã đến lúc xã hội cần nhìn lại vấn đề, cần những động thái chấn chỉnh cần thiết, để can thiệp, trả lại nguyên nghĩa từ dùng tiếng Việt cho từ phong bì.

Mà điều này, có lẽ không đơn thuần là câu chuyện ngôn ngữ, hành động trong văn hóa giao tiếp…

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn