MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Khó chấp nhận cảnh mỗi mùa nắng, các tỉnh lại phải đi "xin" nước để dùng

Thanh Hải LDO | 05/05/2023 18:08

Cứ đến đầu mùa nắng, các địa phương Quảng Nam, Đà Nẵng lại ban hành hàng loạt công văn đề nghị, kiến nghị, gửi đi các nơi để "xin" nước, đề nghị các hồ chứa thủy điện vận hành đúng quy trình.

Khi mực nước trên các sông hồ bắt đầu cạn kiệt, ruộng đồng ở Quảng Nam xuất hiện khô nứt, người dân ở TP.Đà Nẵng đã cảm nhận rõ vị mặn chát trong nước sinh hoạt, thì cũng là lúc chính quyền các địa phương này phát đi các văn bản, đề nghị các chủ hồ chứa thủy điện trên thượng nguồn sông Vu Gia, Thu Bồn tuân thủ quy trình vận hành, để điều hòa nguồn nước cho hạ du, tiết kiệm cho mùa khô...

Năm nay, nhận định của Trung tâm dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia, từ tháng 4 đến tháng 6, tổng lượng mưa khu vực Đà Nẵng - Quảng Nam phổ biến thấp hơn 5 - 10% so với trung bình nhiều năm. Từ tháng 7 đến tháng 9, lượng mưa khu vực này cũng có xu hướng thấp hơn so với trung bình cùng thời kỳ, nên sẽ nhiễm mặn thiếu nước sinh hoạt và tưới tiêu vùng hạ du.

Chính vì vậy, từ 28.3, Đà Nẵng đã có Công văn gửi các chủ hồ chứa thủy điện A Vương, Sông Bung 2, Sông Bung 4 và Đăk Mi 4, đề nghị tuân theo Quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Vu Gia – Thu Bồn được ban hành (theo Quyết định 1865 của Thủ tướng Chính phủ).

Tiếp theo đó, ngày 27.4, UBND tỉnh Quảng Nam có văn bản yêu cầu các Công ty thủy điện Sông Bung, A Vương, Sông Tranh, tổ chức vận hành các nhà máy thủy điện nhằm đưa dần mực nước các hồ chứa về khoảng mực nước như quy định tại quy trình vận hành liên hồ chứa... theo quy định nói trên của Thủ tướng.

Dù tài nguyên nước trên các lưu vực sông là "tài sản" dùng chung, đa mục tiêu, cho môi trường, sản xuất nông nghiệp, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, sinh hoạt... theo luật định. Nhưng những công văn như thế này của các tỉnh, TP là "không đủ đô", không có tác dụng ngay được. Bởi, theo các chủ hồ chứa nước thủy điện, việc vận hành nhà máy, phát điện lên lưới là theo điều tiết của Trung tâm điều độ hệ thống điện Quốc gia - A0, nên không thể tuân thủ theo đề nghị của chính quyền các địa phương. 

Vì vậy, 27.4, UBND TP Đà Nẵng lại tiếp tục có loạt văn bản gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Công Thương, đề nghị chỉ đạo có giải pháp cấp bách nhằm đảm bảo an ninh nguồn nước cấp cho TP Đà Nẵng.

UBND TP.Đà Nẵng đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo Cục Quản lý tài nguyên nước và các cơ quan chức năng thanh tra, kiểm tra, giám sát việc vận hành các hồ chứa theo Quy trình 1865 của Chính phủ...

Với Bộ Công Thương, Đà Nẵng kiến nghị Bộ chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Trung tâm Điều độ hệ thống điện Quốc gia chỉ thực hiện huy động điện của các nhà máy thủy điện trên lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn vào hệ thống điện Quốc gia phù hợp với yêu cầu về thời gian, lưu lượng xả của từng hồ trong mùa cạn theo quy định của Quy trình 1865...

Quản lý và sử dụng tài nguyên nước đã có luật. Dưới luật có cả những Nghị định của Chính phủ... Cụ thể hơn thì có quyết định phê duyệt về quy chế vận hành liên hồ do Thủ tướng Chính phủ ký. Thế nhưng, cứ đến mùa khô hạn, các địa phương lại phải "đon đả" ra văn bản, đề nghị, kiến nghị, gửi đến từng đơn vị, cơ quan, bộ ngành... theo quy trình ngược, để "xin" nước.

Chỉ xin các đơn vị, cơ quan liên quan vận hành đúng quy trình thôi, nhưng chưa chắc đã được. Có năm, Đà Nẵng đã phải có công văn tới Thủ tướng Chính phủ, đề nghị can thiệp để hồ chứa thủy điện Đắk Mi4 phải xả nước trả về hạ du theo... quy định của Chính phủ.

Nghịch cảnh này rất khó chấp nhận, nhưng vì để đảm an ninh nguồn nước, đảm bảo nước sinh hoạt cho dân, ổn định xã hội... chính quyền các địa phương đã phải đều đặn ban hành những công văn như thế này hàng năm.

Vì vậy, nhất thiết phải có một giải pháp hữu hiệu hơn, để quản lý, vận hành và sử dụng nguồn tài nguyên nước một cách hài hòa, hiệu quả.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn