MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Chợ cóc, chợ tạm mọc lên nhan nhản trên phố Mai Dịch (quận Cầu Giấy, Hà Nội). Ảnh: Tâm Giang

Khó quản lý chợ cóc, chợ tạm ở Hà Nội

THU GIANG LDO | 30/03/2024 12:19

Hàng loạt chợ cóc, chợ tạm đang lấn chiếm lòng đường, vỉa hè tại TP Hà Nội thời gian qua, không chỉ gây mất mỹ quan đô thị, trật tự giao thông, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm...

Chợ cóc, chợ tạm mọc nhan nhản

Ghi nhận của PV Lao Động những ngày này cho thấy, tình trạng chợ cóc, chợ tạm đang diễn ra nhan nhản tại nhiều tuyến phố, khu vực đông dân cư như phố Mai Dịch (quận Cầu Giấy), đường Cổ Nhuế (quận Bắc Từ Liêm), phố Khâm Thiên (quận Đống Đa)...

Bà Nguyễn Thị Hằng (SN 1970, sống tại quận Cầu Giấy) chia sẻ, những điểm chợ cóc, chợ tạm mọc lên trên địa bàn quận ngày càng nhiều, đi đến đâu cũng thấy người dân họp chợ trên vỉa hè, lòng đường.

Đáng chú ý, những điểm chợ cóc, chợ tạm này hiện đang ngang nhiên lấn chiếm vỉa hè, tràn ra cả lòng đường, buôn bán từ rau xanh, thịt cá, gia cầm… khó kiểm định chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm.

“Vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm tại các khu chợ cóc, chợ tạm khiến người dân như tôi rất đáng lo ngại. Việc tụ họp chợ cóc hằng ngày gây ách tắc giao thông, nhất là vào buổi sáng hoặc giờ tan tầm" - bà Hằng nói.

Tương tự, chị Trần Minh Trang (sinh sống tại ngõ Văn Chương, quận Đống Đa, Hà Nội) cho biết, tình trạng họp chợ cóc, chợ tạm trong ngõ thường kéo dài từ sáng sớm đến tối mịt. Nhiều người dân thay vì vào trong chợ truyền thống mua bán thì giờ họ có thể dừng ngay tại vỉa hè để mua bó rau, cân thịt cho thuận tiện.

Ông Vũ Minh Hồng - Chủ tịch UBND phường Nam Đồng (quận Đống Đa, Hà Nội) - thông tin, từ ngày 15.12.2023 đến 29.2.2024 lực lượng chức năng phường Nam Đồng đã xử lý 181 trường hợp vi phạm trật tự đô thị, 94 trường hợp vi phạm trật tự an toàn giao thông...

UBND phường Nam Đồng đã phân công lãnh đạo, cán bộ phối hợp với Công an phường, lực lượng tự quản, bảo vệ dân phố phân công, chia thành các ca triển khai ra quân hàng ngày để kiểm tra, xử lý các vi phạm trật tự đô thị đối với các hộ kinh doanh, buôn bán trên vỉa hè, lòng đường trên các tuyến phố.

Từ đó rà soát, kiên quyết xử lý nghiêm đối với những trường hợp đã nhắc nhở nhiều lần mà cố tình vi phạm.

Hà Nội quyết tâm xoá chợ tạm, lên lộ trình xây dựng hệ thống chợ mới

Thông tin từ Sở Công Thương Hà Nội, đơn vị đã chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan, UBND các quận, huyện, thị xã xây dựng Kế hoạch chuyển đổi mô hình quản lý kinh doanh khai thác chợ trên địa bàn quận, huyện giai đoạn 2022 - 2025.

Theo đó, sẽ phối hợp với các sở, ngành liên quan và UBND các quận, huyện, thị xã chủ động rà soát, thống kê, kiểm tra, xử lý và tổ chức giải tỏa các tụ điểm, chợ cóc, hoạt động kinh doanh lấn chiếm vỉa hè, lòng đường gây mất vệ sinh an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường, mỹ quan đô thị, ảnh hưởng đến an toàn giao thông…

Nhìn nhận trên góc độ quy hoạch, trao đổi với Lao Động, KTS Đào Ngọc Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam - nhận định, do hệ thống chợ dân sinh, thương mại tại các quận, huyện Hà Nội còn thiếu, chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân, dẫn đến phát sinh các tụ điểm chợ cóc, chợ tạm, ảnh hưởng đến an toàn giao thông, vệ sinh an toàn thực phẩm, môi trường sống...

Ông Nghiêm cho rằng, việc xây dựng chợ truyền thống hoặc các trung tâm thương mại tại Hà Nội thường gặp khó khăn như cần phải bố trí quỹ đất, địa điểm phù hợp, bảo đảm nhiều yếu tố về giao thông, phòng cháy chữa cháy nên không thể cơ động như chợ cóc, chợ tạm.

Theo ông Nghiêm, TP Hà Nội cần chủ động rà soát, xây dựng chính sách ưu tiên, đồng bộ, thu hút các nguồn lực tham gia xây dựng, cải tạo chợ mới theo hướng phục vụ đến mọi tầng lớp, đặc biệt người dân có thu nhập trung bình, thu nhập thấp, từ đó xoá bỏ chợ cóc, chợ tạm...

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn