MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Khó xử lý dịch vụ kinh doanh vận tải xe đi chung đi ghép. Ảnh minh họa: Minh Hạnh

Khó xử lý dịch vụ kinh doanh vận tải xe đi chung, đi ghép

Minh Hạnh LDO | 19/11/2023 06:24

Loại hình “xe đi chung”, “xe đi ghép” đang nở rộ trên không gian mạng đã vi phạm quy định kinh doanh vận tải bằng xe ôtô, tạo môi trường kinh doanh không bình đẳng. Mặc dù hoạt động với số lượng lớn, nhưng không thể thống kê vì đây là hoạt động chui, không chịu sự quản lý của cơ quan quản lý Nhà nước.

Mặc dù là hoạt động trái quy định pháp luật nhưng những chiếc “xe đi ghép”, “xe kết hợp đi chung” lại rất được lòng khách hàng, người dân vì tiện lợi. Thậm chí, khi bị lực lượng chức năng kiểm tra, nhiều hành khách đã bảo vệ tài xế bằng cách nhận là người nhà cùng đi có việc khiến việc xử lý rất khó khăn.

Trên thực tế, đây là hình thức “lách luật” để trốn thuế và tạo ra môi trường kinh doanh không bình đẳng với các loại hình vận tải hành khách khác, trong đó có vận tải hành khách tuyến cố định.

Xe ghép từ Hà Nội đi Tuyên Quang có giá 250.000 đồng/người. Ảnh: Minh Hạnh

Theo quy định tại Điều 7 Luật Giao thông Đường bộ năm 2008, những phương tiện chở khách và có thu tiền của hành khách tức là có hoạt động kinh doanh vận tải và phải có giấy phép kinh doanh vận tải theo quy định.

Ghi nhận thực tế của phóng viên, hiện giá vé xe ghép chạy Hà Nội – Thái Nguyên là 150.000 đồng/lượt, Hà Nội – Tuyên Quang là 250.000 đồng/lượt, Hà Nội – Nam Định (và ngược lại) là 200.000 đồng/lượt. Trung bình mỗi ngày 1 xe thu từ 2,5-3,5 triệu đồng, đây là con số không nhỏ. Trong khi, các phương tiện này chỉ mất phí xăng dầu, cầu đường và không phải chịu thuế, phí bến bãi khác.

Theo anh Vũ Đức Nam (trú tại Tây Sơn, Đống Đa, Hà Nội), đi xe ghép từ Hà Nội về Thái Nguyên giá đắt gấp đôi xe tuyến cố định nhưng thuận tiện vì được đón/đưa tại nhà, tiết kiệm được chi phí di chuyển ra bến xe. “Nếu đi taxi từ nhà tôi ra bến xe Mỹ Đình hoặc Giáp Bát cũng phải mất 80.000- 100.000 đồng, do đó tôi lựa chọn xe ghép, xe đi chung”, anh Nam nói.

Theo Thông tư 58 của Bộ Công an, tất cả các xe hoạt động kinh doanh vận tải phải thực hiện đổi sang biển số nền vàng chữ và số màu đen. Tuy nhiên, 100% xe đang chạy ghép đều là xe cá nhân và không phải đổi sang biển màu vàng. Đây là kẽ hở khi vào giờ cao điểm, một số tuyến đường của Hà Nội cấm xe biển vàng để tránh ách tắc giao thông khu vực nội đô. Việc này đã tạo ra sự cạnh tranh không lành mạnh và thất thu thuế của Nhà Nước.

Theo lái xe Đỗ Phú Đô (TP. Thái Nguyên) trước đây anh làm lái xe taxi nhưng có nhiều bất cập khi đón trả khách tại nội đô, sau đó anh chuyển sang kinh doanh xe ghép khách tuyến Hà Nội – Thái Nguyên, thu nhập ổn định.

Cũng theo anh Đô, nhóm của anh có trên 20 xe và lúc nào lượng khách cũng ổn định vì xe biển trắng không bị cấm một số tuyến phố như xe taxi hoặc xe hợp đồng, đón/trả khách tận nhà. “Để tránh sự kiểm tra của lực lượng chức năng, trước khi ghép xe tôi cũng nhắc khách nếu bị kiểm tra thì nói xe gia đình, anh em chở nhau đi công việc”, anh Đô cho biết.

Ngoài việc thất thu thuế, phá vỡ quy hoạch giao thông, tạo môi trường cạnh tranh không lành mạnh việc đảm bảo an toàn và quyền lợi cho hành khách đi xe cũng là vấn đề rất quan trọng. Vì các xe này không được quản lý bằng thiết bị giám sát hành trình, nếu xảy ra rủi ro thì sẽ không được đền bù thiệt hại vì không ai chịu trách nhiệm.

Theo ông Nguyễn Công Hùng, Chủ tịch Hiệp hội taxi Hà Nội, thông qua các trang mạng xã hội, lái xe và hành khách tự kết nối. Do đó, cần phải xử lý triệt để cá nhân, tổ chức sử dụng công nghệ không gian mạng kết nối phương tiện, hành khách tổ chức thu tiền cước mà không thực hiện theo Nghị định 10 về kinh doanh vận tải. “Nếu cần thiết phải xử lý hình sự để răn đe”, ông Hùng nhấn mạnh.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn