MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bảng quảng bá điểm đến tại tháp Chăm Bình Định.

Khoan đục tháp Chăm nghìn năm tuổi: Khoan rồi chữa làm sao?

Tuyết Anh LDO | 09/05/2019 07:30

Sau loạt bài phản ánh của báo Lao Động về việc tháp Chăm (Quy Nhơn, Bình Định) bị khoan, đục để phục vụ du lịch, rất nhiều bạn đọc đã đưa ra ý kiến về sự việc này.

Cụ thể, Ban quản lí di tích đã cho đặt giàn sắt thép để gắn biển giới thiệu tên di tích bằng cách khoan thủng tường gạch cổ tháp Đôi và tháp Bánh Ít (Quy Nhơn, Bình Định). 

Hành động này đã khiến nhiều người phẫn nộ và coi đây là hành vi phá hoại di tích lịch sử. Nhiều bạn đọc bày tỏ sự ngán ngẩm và cho rằng việc làm này "quá vô ý thức" cũng như "hành xử thiếu văn hóa với các di tích cổ". 

"Nếu tôi là khách du lịch, đến đây chụp hình chắc cũng né cái mặt tháp có khung chữ này ra. Tôi không hiểu đẹp ở đâu? Di tích cổ mà gắn cái khung đó lên không biết người làm ra nó tư duy kiểu gì? Chắc có người đang nghĩ cách tăng cường quảng bá du lịch cho tỉnh, bí quá không biết làm sao nên phải làm cái khung này? Theo tôi thấy đây là kiểu làm cho có, thiếu văn hóa và mất thẩm mỹ", bạn Vũ Thanh bình luận. 

Khung sắt được gắn vào tòa tháp Chăm nghìn tuổi.

Đồng quan điểm, bạn Hiền Vũ viết: "Hiện nay tháp Chăm nào cũng có khuôn viên rộng rãi thiếu gì chỗ đặt bảng mà họ phải gắn hẳn vào tháp như vậy? Theo quan điểm của tôi, đây là việc làm xâm hại tháp cổ. Gắn bảng tên như thế này vừa làm hại di tích lại vừa kém thẩm mỹ".

Một số độc giả khác cũng trăn trở việc khoan, đục gắn chữ lên thân tháp đã xâm hại nghiêm trọng và khó có thể sửa chữa, khôi phục lại hiện trạng như ban đầu. 

Bạn Nguyễn Hoàng bình luận: "Tôi nghĩ là không chỉ riêng tôi mà nhiều người cũng không thể hiểu nổi, thiếu gì vị trí khác để treo biển tại sao nhất quyết là phải khoan đục lên tháp như vậy? Rồi sau khi đã tháo gỡ tấm biển ấy xuống, họ có trả lại được thân tháp nguyên vẹn như trước kia không hay là cứ để đấy, hay là sẽ lấy xi măng đắp vào?". 

"Sao người quản lí văn hóa mà lại có quyết định thiếu văn hóa tới di tích lịch sử như vậy nhỉ? Giờ di tích đã bị khoan hàng loạt lỗ rồi, tôi muốn biết ban quản lí hay những người có trách nhiệm sẽ sửa chữa kiểu gì đây?", bạn Mạnh Việt Quân viết. 

Trong khi đó, bạn Việt Vũ nêu ý kiến: "Ban đầu tôi đọc còn tưởng chuyện đùa. Những người này nghĩ treo lên gỡ xuống là sẽ không ảnh hưởng gì sau khi đã khoan đục lên tòa tháp nghìn năm tuổi sao? Những người làm việc này có lẽ không hiểu rằng những di tích cổ thậm chí chỉ được nhìn, không nên sờ vào". 

"Họ khoan đóng khung sắt vào di tích luôn mới khó hiểu chứ, đừng nói sau này tháo ra lấy xi măng trám vào là xong. Trước khi tiến hành mấy vị có nghĩ việc khoan tháp sẽ khiến tháp không bao giờ phục hồi lại như lúc đầu được không? Tôi thật không hiểu nổi, trong khi cả thế giới kêu gọi phải bảo vệ các di tích cổ thì di tích của mình bị khoan, đục lỗ", bạn đọc Vũ Linh bức xúc. 

Trước những ý kiến trái chiều từ dư luận, hiện tại, Sở Văn hóa Thể thao tỉnh Bình Định đã cho tháo dỡ bảng quảng bá trên tháp. Giám đốc Bảo tàng Bình Định Đặng Hữu Thọ thừa nhận, việc khoan vào tháp vì thấy đơn giản nên đã quyết định làm luôn không ý kiến với Sở. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn