MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Căn nhà Trần Thị Linh (trú xã Nghĩa Hiếu - Nghĩa Đàn - Nghệ An) đứng trước nguy cơ phải cầm cố để trả nợ. Ảnh: QĐ

Khốn khổ vì tin lời mời “hùn vốn” mua ngô bán cho công ty sữa

QUANG ĐẠI LDO | 20/03/2021 08:20

Tin tưởng mối quan hệ quen biết, 4 phụ nữ vay hơn 5,5 tỉ đồng để góp vốn mua ngô nhập cho công ty sữa. Đến nay, 4 phụ nữ nói trên đứng trước nguy cơ mất trắng số tiền trên.

Báo Lao Động nhận được đơn của bà Trần Thị Linh (trú xã Nghĩa Hiếu - Nghĩa Đàn - Nghệ An), bà Võ Thị Mỹ Nghệ (xã Minh Hợp - Quỳ Hợp - Nghệ An), bà Nguyễn Thị Ngọt (xã Nghĩa Yên-Nghĩa Đàn - Nghệ An và bà Lê Thị Phương (xã Càn Khê - Như Thanh -Thanh Hóa) phản ánh sự việc bị lừa đảo chiếm đoạt số tiền lớn.

Cụ thể, vào năm 2018, do mối quan hệ quen biết, 4 người nói trên đã gặp bà Nguyễn Thị Thương (trú xã Nghĩa Hiếu-Nghĩa Đàn-Nghệ An), là công nhân nhà máy sữa trên địa bàn huyện.

Bà Thương cho biết, đang làm công nhân kiểm soát chất lượng ngô của nhà máy sữa trên địa bàn và cần tiền nhập ngô cho nhà máy với lợi nhuận rất cao và hỏi 4 người có muốn đầu tư nhập ngô thì bà Thương sẽ cho hùn vốn làm ăn chung.

Sau đó, bà Thương đưa cho 4 người xem một số hợp đồng của Công ty Cổ phần Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao quốc tế có địa chỉ tại xã Nghĩa Sơn (Nghĩa Đàn-Nghệ An) và Công ty Tân Long (Hà Nội).

Tin tưởng, 4 người nói trên đã đi vay tiền để đưa cho bà Thương “hùn vốn” mua ngô nhập cho Công ty sữa trên địa bàn.

Cụ thể, bà Võ Thị Mỹ Nghệ đã “hùn” 2,682 tỉ đồng, bà Trần Thị Linh “hùn” 1,485 tỉ đồng; bà Nguyễn Thị Ngọt “hùn” 1,09 tỉ; bà Lê Thị Phương “hùn” 260 triệu đồng. Tổng số tiền 4 người đã đưa, chuyển cho bà Nguyễn Thị Thương là 5,517 tỉ đồng. Bà Thương hứa sau khi phía đơn vị mua ngô chuyển tiền thì sẽ thanh toán, tuy nhiên sau đó cứ kéo dài thời gian không trả.

Đến nay, đã 2 năm trôi qua, không được trả tiền trong khi áp lực trả nợ quá lớn, bà Linh cùng một số người đến Công ty sữa trên địa bàn huyện để tìm hiểu, thì được biết bà Thương là công nhân của nhà máy sữa, tuy nhiên Công ty không hề ký kết hợp đồng mua bán ngô với bà Thương và bà Thương đã bị sa thải.

Bà Linh cùng 3 người “hùn vốn” cho bà Thương đã viết đơn gửi Công an huyện Nghĩa Đàn, tố cáo hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của bà Thương.

Ngày 14.5.2020, Công an huyện Nghĩa Đàn có văn bản 129, thông báo kết quả vụ việc không có dấu hiệu hình sự, nên đã ra quyết định không khởi tố vụ án.

Bà Linh và 4 người tiếp tục viết đơn tố cáo, ngày 4.12.2020, Công an huyện Nghĩa Đàn có văn bản 288, thông báo tạm đình chỉ việc giải quyết tin báo tố giác tội phạm.

Lý do, cơ quan này đã gửi công văn cho một số cơ quan yêu cầu cung cấp thông tin, để xác minh một số nội dung liên quan, nhưng các đơn vị đó chưa có văn bản trả lời.

Bà Trần Thị Linh cho biết, hiện nay đang lâm vào tình cảnh hết sức khó khăn do phải cắm sổ đỏ để vay tiền, mỗi tháng phải trả tiền lãi hàng chục triệu đồng, trong khi chị làm nông, không có thu nhập ổn định, gia đình thường xuyên lục đục.

3 người còn lại cũng lâm vào hoàn cảnh khó khăn, trong đó khổ nhất là chị Võ Thị Mỹ Nghệ đang ôm số nợ lớn lên tới gần 2,7 tỉ đồng.

Ngày 19.3.2021, trao đổi với phóng viên, trung tá Nguyễn Văn Đạo - Chánh Văn phòng Công an tỉnh Nghệ An cho biết, đã nắm thông tin từ phía Công an huyện Nghĩa Đàn về vụ việc.

Theo đó, qua xác minh, vụ việc không có dấu hiệu hình sự, nên không có căn cứ để công an vào cuộc xử lý.

"Cơ quan công an đã làm việc chặt chẽ, thận trọng, đúng quy định" - ông Nguyễn Văn Đạo nói.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn