MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Một toa thuốc kèm thực phẩm chức năng. Ảnh: cắt từ clip.

Không cần toa thuốc kèm thực phẩm chức năng, cần những bác sĩ liêm chính

Thế Lâm LDO | 05/07/2022 21:05

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương cho biết Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương đã tiến hành kiểm tra và xử lý tình trạng bác sĩ tại đây kê toa thuốc kèm thực phẩm chức năng đã được báo Lao Động phản ánh.

Hình thức xử lý đối với bác sĩ kê toa kèm thực phẩm chức năng là điều chuyển công tác, đồng thời Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương nhìn nhận đó là sai sót trong quy trình nghiệp vụ.

Câu chuyện bác sĩ kê toa thuốc cho bệnh nhân kèm thực phẩm chức năng, trên thực tế diễn ra khá phổ biến và cũng không chỉ xảy ra tại Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương mà còn diễn ra ở nhiều bệnh viện khác.

Tuy nhiên cần khách quan và công tâm đánh giá, không phải bác sĩ nào tại bất cứ bệnh viện, cơ sở chăm sóc sức khỏe nào cũng làm cánh tay nối dài cho các doanh nghiệp sản xuất và phân phối thực phẩm chức năng.

Đối với các bệnh nhân được bảo hiểm chi trả, toa thuốc kèm thực phẩm chức năng khó mà qua được mắt bộ phận khám chữa bệnh theo bảo hiểm y tế. Khi đó, mục thực phẩm chức năng sẽ nhanh chóng bị loại trừ ra, và bệnh nhân được thông báo cho biết đó là thực phẩm chức năng, nếu vẫn muốn giữ lại để mua thì phải tự thanh toán chi phí chứ không được bảo hiểm thanh toán.

Song với nhiều bệnh nhân tự chi trả chi phí khám chữa bệnh, những loại thực phẩm chức năng được bác sĩ kê toa thường rơi vào hai tình huống, thứ nhất là bệnh nhân không biết và không rõ, thứ hai là có biết cũng không dám loại trừ, cho nên buộc phải chi nhiều hơn cho toa thuốc trong khi loại thực phẩm chức năng được kê đơn lại không có tác dụng chữa trị cho bệnh nhân.  

Không phải toa thuốc nào cứ có kê kèm thực phẩm chức năng cũng đều là không đúng hay sai sót. Vấn đề quan trọng là, việc kê thêm thực phẩm chức năng có thực sự cần thiết cho bệnh nhân hay không, và có được bác sĩ công khai, giải thích sự cần thiết đó cho bệnh nhân để người bệnh quyết định lựa chọn hay không.

Đáng tiếc là trên thực tế, không ít bác sĩ kê toa thuốc lại âm thầm chen vào loại thực phẩm chức năng nào đó, mà đa phần không phải là do “sai sót quy trình nghiệp vụ” mà do cố tình “kê toa kèm lạc” làm cánh tay nối dài phân phối sản phẩm cho các doanh nghiệp sản xuất, phân phối thực phẩm chức năng.

Thậm chí có thể nói rằng, đó là hành vi móc ngoặc vì tư lợi và hoàn toàn thiếu sự liêm chính trong nghề nghiệp của người thầy thuốc.

Hình ảnh các trình dược viên của các hãng dược, doanh nghiệp phân phối dược và thực phẩm chức năng “lượn lờ” vào đầu mỗi buổi sáng tại các bệnh viện từng rất phổ biến và bệnh nhân hoàn toàn có thể nhận ra. Mỗi lần “lượn lờ” vào phòng làm việc của bác sĩ mang kèm tờ báo gấp đôi và bên trong chí ít là các tờ rơi, catalog sản phẩm thuốc, thực phẩm chức năng.

Về sau, nhiều bệnh viện phải dán thông báo “không tiếp trình dược viên” ngay trước phòng khám của các bác sĩ, chính vì thế tình trạng “lượn lờ” cũng dần giảm đi.

Tuy nhiên trên thực tế, bác sĩ móc nối với trình dược viên thì có rất nhiều cách chứ không nhất thiết tại nơi làm việc, và mối quan hệ này các tổ chức cũng không dễ gì có thể kiểm soát.

Vì thế, dư luận rất khó được thuyết phục và có thể tin rằng, việc kê toa kèm thực phẩm chức năng là sai sót về quy trình nghiệp vụ.

Có lẽ đúng hơn, đó là vấn đề về đạo đức, tính liêm chính của người thầy thuốc.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn