MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bà Lê Thị H. (67 tuổi, quê ở Thanh Hoá), hiện đang sống cùng con trai út ở Hà Nội. Ảnh: M.Hương

Không có lương hưu, người cao tuổi sống dựa vào đâu?

Minh Hương LDO | 18/04/2021 17:08
Theo báo cáo vừa công bố của Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Hà Nội) phối hợp với Đại học Justus Liebig Giessen (Đức) thì khoảng 64,4% người cao tuổi không có lương hưu và trợ cấp. Vậy khi không có lương hưu, người cao tuổi dựa vào đâu để lo cho cuộc sống khi về già?

Lương hưu được xem như sự đảm bảo về mặt tài chính cho người già khi bước vào độ tuổi nghỉ hưu. Qua ghi nhận ở một số trường hợp dưới đây, những người không có lương hưu, họ phải sống dựa vào con cháu, hoặc tiếp tục lao động để mưu sinh.

Bà Lê Thị H. (67 tuổi, quê ở Thanh Hoá), từng là công nhân cho một lâm trường lâm nghiệp ở huyện Cẩm Thuỷ (Thanh Hoá). Trong khoảng thời gian 1974 - 1987, bà nhận được mức lương 47.000 - 56.000 đồng/tháng. Sau năm 1987, vì hoàn cảnh nên bà phải nộp đơn xin nghỉ việc.

"Khi nghỉ việc, tôi được hỗ trợ 6 tháng lương, 6 tháng gạo. Nếu như tiếp tục làm thêm hơn 1 năm nữa, tôi sẽ có khoản lương hưu khi về già" - bà H. nói.

Theo bà, thời gian đó, ở lâm trường, công nhân làm việc 15 năm là có thể hưởng trợ cấp lương hưu. "Một người bạn của tôi làm hết 15 năm, bây giờ lương hưu cũng được hơn 2 triệu đồng/tháng" - bà H. cho hay.

Sau thời gian nghỉ việc ở lâm trường, bà H trở về quê làm công việc đồng áng, thu nhập rất khó để lo cho cả gia đình. Từ năm 2008 - 2018, bà vào Đà Nẵng trông cháu cho các con.

"Tôi không làm thêm công việc khác nên không có tiền tích cóp. Trời cho tôi sức khoẻ nên không ốm, đau. Nếu sau này bệnh tật tuổi già ập đến, có lẽ tôi chỉ biết trông cậy vào con cháu" - bà H. chia sẻ.

Tương tự là trường hợp ông Phan Văn Hiếu (68 tuổi, quê ở Hà Nam). Hồi học xong lớp 6, ông Hiếu phải nghỉ học vì gia đình không có điều kiện. Sau khoảng thời gian ở nhà phụ giúp gia đình, đến tuổi trường thành, ông Hiếu xin làm phụ hồ ở trong làng.

Ông Hiếu có 3 người con, vợ buôn bán nhỏ lẻ ở chợ. Khi các con đang độ tuổi đi học, ông phải xa gia đình, ra Hà Nội xin làm thợ xây cho các công trình với mong muốn có thu nhập cao hơn.

Cũng khoảng hơn 20 năm ông khăn gói lên Hà Nội, thu nhập từ mức vài chục nghìn đồng, nay cũng lên đến vài trăm nghìn đồng mỗi ngày. "Làm ròng rã nhiều năm trời, hầu như tôi không nghỉ ngơi ngày nào. Giờ các con đều đã lớn, tôi vẫn phải đi làm vì sợ rằng sau này già yếu không có của nả để lo liệu" - ông Hiếu nói.

Cũng như ông Hiếu, bà Hoàng Thị Nga (62 tuổi, quê ở Nam Định) - làm nghề bốc vác hàng hoá ở chợ Long Biên (Hoàn Kiếm, Hà Nội) dù đã có tuổi nhưng vẫn phải cật lực kiếm tiền vì không có lương hưu cũng như công việc ổn định.

Gần 30 năm xuống thủ đô làm nghề tự do, rồi nay gắn luôn với nghề "cửu vạn", bà Nga cho biết vẫn không có tiền dành dụm cho bản thân.

Những người phụ nữ làm nghề cửu vạn, dù đã có tuổi nhưng vẫn phải làm công việc nặng nhọc để mưu sinh.

Ở tuổi của bà, là phụ nữ, lại làm nghề bốc vác nên rất vất vả. Công việc của bà Nga thường bắt đầu từ 10 giờ đêm đến 5 giờ sáng hôm sau, thu nhập trung bình 200.000 - 300.000 đồng/ ngày.

"Ai cũng muốn an hưởng tuổi già, nhưng tôi còn sức khoẻ nên vẫn phải lao động. Con cái không phiền bố mẹ là tốt rồi, tôi cũng không mong đợi gì nhiều. Tôi là lao động tự do, làm gì có lương hưu, nên để sau này có tiền trang trải, bây giờ tôi vẫn làm việc thôi" - bà Nga chia sẻ.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn