MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bà Bắc đang làm cỏ để trồng rau. Ảnh: Lê Yến.

Không có lương hưu, nhiều người vẫn phải đi làm ở tuổi xế chiều

LÊ YẾN - MINH THÙY LDO | 16/03/2024 18:36

Nhiều người lao động không tham gia bảo hiểm xã hội nên khi về già không có lương hưu. Họ vẫn phải làm việc để kiếm sống lúc tuổi đã xế chiều để không trở thành gánh nặng của con cái.

Vất vả tuổi xế chiều

Khi còn trẻ, bà Văn Thị Bắc (73 tuổi, huyện Yên Lạc, Vĩnh Phúc) tham gia kháng chiến, là thanh niên xung phong. Sau khi trở về quê hương, bà là lao động tự do. Chính vì vậy, ở tuổi xế chiều, bà Bắc không có lương hưu.

Vì kinh tế khó khăn nên 3 người con của bà Bắc phải đi làm ăn xa xứ, bà và chồng nương tựa nhau ở quê. Thu nhập chính của bà dựa vào việc chăn nuôi lợn, trồng rau.

Hàng ngày, bà Bắc phải chi tiêu tiết kiệm khi thường xuyên phải mua thuốc điều trị. “Mắc bệnh dạ dày mãn tính, mỗi tháng tôi phải lên viện khám và lấy thuốc điều trị, cả tiền xe và tiền thuốc hết khoảng 1.000.000 đồng/lượt. Gần đây, tôi bị ốm nặng nên sức khỏe suy yếu nhiều”, bà Bắc tâm sự.

Theo bà Bắc, nếu tính công chăm sóc, tưới tiêu, nhổ, bó, bán rau hàng tháng… thì khi đến vụ thu hoạch, mỗi ngày chỉ được từ 50.000 - 80.000 đồng. Mức thu nhập này không đủ để chi tiêu sinh hoạt phí của gia đình.

“Việc chăn nuôi rất bấp bênh, tôi nuôi 1 đàn lợn khoảng 6 tháng xuất chuồng, được giá thì lãi vài triệu đồng, khi mất giá thì bị lỗ công do giá cám cao”, bà Bắc chia sẻ thêm.

Cộng thêm tiền thuốc, tiền điện, tiền thăm hỏi người ốm, hiếu hỉ mỗi tháng, bà Bắc không có khoản dành dụm để dưỡng già. Vì thế, 3 người con của bà phải thường xuyên gửi tiền về, mua thức ăn để đỡ đần cha mẹ.

Không muốn là gánh nặng

Đều đặn mỗi ngày, ông Đinh Thế Thu (61 tuổi, huyện Quốc Oai, Hà Nội) đi sớm về khuya vì nơi làm việc cách nhà 20km. Ông Thu cho biết trước đây ông làm thợ mộc ở quê nhưng hiện nay tuổi đã cao và sức khỏe không được như trước nên ông xin làm bảo vệ với mức lương 5.500.000 đồng/tháng để tự lo cho mình và vợ.

Ông Đinh Thế Thu đang trông xe cho khách. Ảnh: Lê Yến.

“Con cái muốn bố mẹ ở nhà nghỉ ngơi nhưng giờ các con đã có gia đình, làm ăn xa nhà, kinh tế cũng chưa ổn định. Tôi không muốn trở thành gánh nặng của các con nên dù đã cao tuổi, vợ chồng tôi vẫn đi làm, có thu nhập trang trải cuộc sống”, ông Thu trải lòng.

Không có lương hưu, cuộc sống của hai vợ chồng khá eo hẹp, ngoài chi tiêu sinh hoạt hàng ngày, thêm những chi phí phát sinh thì rất khó để tích góp.

Ông Thu chia sẻ thêm, dù biết đến việc đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện để có lương hưu khi về già nhưng rất nhiều lao động tự do như ông, thu nhập thấp chỉ đủ trang trải cuộc sống nên ông không thể tham gia.

Cũng giống với ông Thu, bà Vũ Thị Phùng (quê Thái Bình) dù đã ở độ tuổi nghỉ hưu nhưng hàng ngày vẫn bán bánh ở ngõ chợ Nguyễn Phúc Lai (quận Đống Đa, Hà Nội) để trang trải cuộc sống.

Sau khi chồng mất, bà Phùng quyết định ở lại ngôi nhà cũ trước đây của hai vợ chồng vì không muốn dựa dẫm vào con cái. “Các con muốn tôi ở nhà nghỉ ngơi, không bán hàng nữa nhưng tôi không muốn dựa dẫm vào ai. Được đi làm ngày nào vui ngày đó, tuổi già cứ quanh quẩn ở nhà cũng buồn” - người phụ nữ năm nay 70 tuổi cho hay.

Với bà Phùng, được đi làm ngày nào là vui ngày đó. Ảnh: Lê Yến.

Khi còn trẻ bà Phùng làm nghề tự do, không tham gia bảo hiểm xã hội nên không có lương hưu. Hiện sức khỏe đã yếu, chi phí ăn uống, sinh hoạt tính cả tiền thuốc men thì thu nhập từ bán hàng không đủ so với mức sống tại Hà Nội.

Có lương hưu sẽ giúp người lao động khi về già vơi đi nhiều nỗi lo về tiền bạc, đây được xem là nguồn thu nhập ổn định nhất giúp người lao động yên tâm dưỡng già, bảo đảm cuộc sống tốt hơn mà không phụ thuộc vào con cháu. "Tôi biết điều đó, nhưng biết sao được, hoàn cảnh của mình vậy, nên đành vẫn phải đi làm việc kiếm sống ở độ tuổi đã được nghỉ hưu này”, bà Phùng tâm sự.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn