MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Không để lãng phí điện mặt trời mái nhà tự sản tự tiêu

Anh Tuấn LDO | 14/08/2024 18:30

Phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu là chính sách quan trọng để huy động nguồn lực xã hội thúc đẩy phát triển năng lượng xanh.

Phương án mới về giá mua điện mặt trời mái nhà tự sản tự tiêu

Chính sách khuyến khích điện mặt trời mái nhà tự sản tự tiêu đang được xây dựng theo hướng người dân được bán phần dư thừa lên lưới quốc gia. Gần nhất, Bộ Công Thương đề xuất tạm tính giá mua ở mức 671 đồng một kWh.

Song, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu Bộ Công Thương nghiên cứu cơ chế bù - trừ hoặc theo giá chào bán thấp nhất trên thị trường điện cạnh tranh tại thời điểm mua.

Tại báo cáo mới đây, Bộ Công Thương đề xuất giá mua bán điện dư phát lên lưới của năm hiện tại được áp dụng không vượt quá giá điện năng thị trường bình quân trong năm trước liền kề, do các bên mua bán thỏa thuận. Theo quy định này, EVN cho biết, giá điện năng thị trường bình quân năm 2023 là 1.091,9 đồng một kWh.

Nếu phương án này được áp dụng, mức giá cho điện mặt trời mái nhà có thể thay đổi so với đề xuất trước đó, không cố định ở 671 đồng một kWh (theo EVN tính toán chi phí tránh được bình quân năm 2023).

Điện mặt trời mái nhà tự sản tự tiêu hướng đến mục tiêu tự tiêu dùng. Ảnh: Nguyễn Phong

Bộ Công Thương cũng đề xuất 2 phương án về tỉ lệ nguồn phát lên lưới.

Phương án 1, giữ nguyên như đề xuất trước đó. Tức là, điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu nối lưới, nếu không dùng hết sẽ được bán nhưng không quá 20% công suất tại miền Bắc và 10% tại các khu vực còn lại (gồm cả khu vực Tây Nguyên).

Phương án 2, người dân được bán không quá 10% công suất lắp đặt thực tế, không chia theo vùng miền.

Với cả 2 phương án, EVN sẽ thanh toán cho phần sản lượng điện dư phát lên hệ thống điện quốc gia theo đúng tỉ lệ công suất được quy định.

Bộ Công Thương cho biết, họ đề xuất phương án 1. Lý do là phương án này khuyến khích lắp đặt tại miền Bắc, nơi có năng lượng bức xạ thấp nhất trong cả nước. Song, phương án này cũng tạo sự phân biệt giữa các vùng miền nên họ cho rằng phương án 2 sẽ phù hợp với thực tế hơn.

Bước tiến mới, tăng thêm sự tự tin cho doanh nghiệp

Nói về đề xuất này, ông Ngô Đức Lâm - nguyên Phó viện trưởng Viện Năng lượng, Bộ Công Thương cho rằng, đây là bước tiến của các nhà làm chính sách, giúp tăng thêm sự tự tin cho các doanh nghiệp muốn tự lắp điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu phục vụ cho mục tiêu tăng trưởng xanh.

"Thực tế, các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp xuất khẩu đều lắp đặt điện mặt trời mái nhà với mục đích đạt các chứng chỉ xanh, giảm phát thải carbon để cạnh tranh về đơn hàng khi xuất khẩu.

Vì thế, việc tự sản tự tiêu gần như là điều đương nhiên, lượng điện dư phát lên lưới cũng không nhiều. Doanh nghiệp có thể chấp nhận các mức giá và sản lượng được mua", ông nói.

Đồng quan điểm, ông Bùi Văn Thịnh - Chủ tịch Hiệp hội Điện gió - mặt trời tỉnh Bình Thuận cho rằng, so với đề xuất không mua bán điện mặt trời dư thừa, việc Bộ Công Thương tiếp thu dư luận và đưa ra một mức giá hợp lý để giúp các doanh nghiệp không lãng phí nguồn điện dư thừa là một tín hiệu tích cực.

Khi được hỏi mức giá trên đã phù hợp, khuyến khích nhà đầu tư làm điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu hay chưa, ông Thịnh cho rằng "điều này phải để thị trường trả lời trong thời gian tới", song, để có giá như vậy là bước tiến rất lớn đối với nhà đầu tư; là tín hiệu tích cực giúp doanh nghiệp có thêm động lực đầu tư vào nguồn năng lượng tái tạo.

Ông Thịnh cũng khẳng định rằng, với cơ chế mới, các dự án lắp đặt điện mặt trời đều phải xác định đây là mô hình tự sản tự tiêu, tức là nguồn điện sản sinh ra phải phục vụ chính cho hoạt động sản xuất. Nhưng nếu dư thừa mà không được mua bán thì rất lãng phí nguồn lực xã hội.

"Kể cả với hộ gia đình, doanh nghiệp hay công sở, có nhiều thời điểm không sử dụng hết nguồn điện mặt trời mái nhà tự làm ra như thời điểm lễ, Tết, thứ 7, Chủ nhật.

Do đó, trong bối cảnh thiếu điện vẫn hiện hữu, nên tận dụng nguồn điện này phát sản lượng dư lên lưới và được thanh toán một khoản tiền mang tính khuyến khích, giúp doanh nghiệp có thêm chi phí, hạch toán hóa đơn đầu ra, đầu vào, chứ không xem đây là khoản đầu tư để bán điện sinh lời", ông Thịnh cho hay.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn