MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ảnh minh hoạ: VGP.

Không đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội xin nghỉ hưởng lương hưu thế nào?

Minh Hương LDO | 27/09/2023 11:06

Bạn đọc Hoài Phương hỏi: Tôi là nữ, 58 tuổi nhưng không đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc. Tôi có thể xin đóng thêm bảo hiểm xã hội tự nguyện cho đủ 20 năm, đồng thời xin giám định sức khỏe suy giảm khả năng lao động 61% để xin hưởng chế độ lương hưu sớm được không?

Công ty Luật TNHH YouMe trả lời: Điều 55 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 được sửa đổi bổ sung bởi Điểm b) Khoản 1 Điều 219 Bộ luật Lao động 2019 quy định về điều kiện nghỉ hưu khi suy giảm khả năng lao động như sau:

1. Người lao động quy định tại các Điểm a, b, c, d, g, h và i Khoản 1 Điều 2 của Luật này khi nghỉ việc có đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội trở lên được hưởng lương hưu với mức thấp hơn so với người đủ điều kiện hưởng lương hưu quy định tại các Điểm a, b và c Khoản 1 Điều 54 của Luật này nếu thuộc một trong các trường hợp:

a) Có tuổi thấp hơn tối đa 5 tuổi so với tuổi nghỉ hưu quy định tại Khoản 2 Điều 169 của Bộ luật Lao động khi bị suy giảm khả năng lao động từ 61% đến dưới 81%.

b) Có tuổi thấp hơn tối đa 10 tuổi so với tuổi nghỉ hưu quy định tại Khoản 2 Điều 169 của Bộ luật Lao động khi bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên;

c) Có đủ 15 năm trở lên làm nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thuộc danh mục do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành và bị suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên...

Khoản 2 Điều 9 Nghị định số 134/2015/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo hiểm xã hội về Bảo hiểm xã hội tự nguyện quy định về phương thức đóng như sau:

2. Trường hợp người tham gia bảo hiểm xã hội đã đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định mà thời gian đã đóng bảo hiểm xã hội còn thiếu trên 10 năm nếu có nguyện vọng thì tiếp tục đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện theo một trong các phương thức quy định tại các Điểm a, b, c, d và đ Khoản 1 Điều này cho đến khi thời gian đóng bảo hiểm xã hội còn thiếu không quá 10 năm thì được đóng một lần cho những năm còn thiếu để hưởng lương hưu theo quy định tại Điểm e Khoản 1 Điều này.

Điều 45 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 quy định về giám định mức suy giảm khả năng lao động:

1. Người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp được giám định hoặc giám định lại mức suy giảm khả năng lao động khi thuộc một trong các trường hợp: Sau khi thương tật, bệnh tật đã được điều trị ổn định; Sau khi thương tật, bệnh tật tái phát đã được điều trị ổn định.

2. Người lao động được giám định tổng hợp mức suy giảm khả năng lao động khi thuộc một trong các trường hợp: Vừa bị tai nạn lao động vừa bị bệnh nghề nghiệp; Bị tai nạn lao động nhiều lần; Bị nhiều bệnh nghề nghiệp.

Như vậy, bà 58 tuổi, đủ tuổi nghỉ hưu, không đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội, bà có thể tiếp tục đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện cho đủ 20 năm theo các quy định được trích dẫn ở trên. Bà được giám định mức suy giảm khả năng lao động nếu thuộc các trường hợp bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo các quy định nêu trên.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn