MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Đề xuất của Bộ Y tế thiết thực nhưng nhiều người không mặn mà bởi áp lực kinh tế. Ảnh minh hoạ: Mạnh Cường.

Không mặn mà với đề xuất sinh con thứ hai được miễn giảm học phí

Mạnh Cường LDO | 29/11/2023 21:22

Tại Hội thảo Mức sinh thấp tại Việt Nam: Thực trạng và giải pháp, Bộ Y tế đã đề xuất miễn giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập cho trẻ em lứa tuổi mầm non, tiểu học tại các tỉnh thành có mức sinh thấp. Tuy nhiên, nhiều người tỏ ra không quá mặn mà với đề xuất bởi rất nhiều áp lực, nỗi lo bủa vây.

Đến nay, dù người con trai đã 4 tuổi nhưng gia đình chị Phạm Thị Hiên (30 tuổi, Đồng Nai) vẫn không muốn sinh thêm. Bởi cả hai vợ chồng chị đều là công nhân, sau khi chi trả các chi phí chẳng còn dư là bao. Nếu sinh thêm con thứ hai, chị và chồng bắt buộc phải cố gắng gấp đôi hiện tại.

Thu nhập của hai vợ chồng chị Hiên nếu ổn định khoảng 16 triệu đồng/tháng, lúc ít việc chỉ 12 triệu đồng/tháng. Mức sống sinh hoạt của 3 thành viên trung bình 5 - 6 triệu/tháng, tiền học của con 2 triệu/tháng. Do đang ở nhà thuê nên mỗi tháng gia đình chị tốn thêm 2 triệu đồng tiền phòng và điện nước. Gửi ông bà nội 2 triệu đồng/tháng, tính đi tính lại chẳng còn bao nhiêu.

Thêm nữa, giữa năm 2023, chồng chị Hiên bất ngờ được công ty cho nghỉ làm vì tình hình khó khăn. Hơn một tháng trời thất nghiệp, chạy đôn chạy đáo tìm việc khiến cuộc sống nam công nhân càng trở nên khó khăn, bắt buộc phải cắt giảm chi tiêu về mọi mặt.

Bên cạnh áp lực công việc, áp lực từ việc nuôi con cũng khiến hai vợ chồng chị Hiên càng thêm vất vả. “So với những đứa trẻ khác, con tôi sức khỏe không được tốt, thường xuyên ốm vặt. Mỗi lần như vậy, hai vợ chồng lại phải thay nhau nghỉ làm để chăm sóc con. Cháu cũng ít nói nên chúng tôi rất áp lực, vất vả trong việc dạy dỗ, giúp con hòa nhập với các bạn và mọi người” - chị Hiên kể.

Nói về dự định trong tương lai, chị Hiên bật mí khi nào thu nhập hai vợ chồng ổn định trên 20 triệu/tháng mới dám nghĩ đến chuyện sinh con thứ hai. Để thực hiện kế hoạch này, chị Hiên và chồng đã tính đến chuyện xin tăng ca muộn, thay phiên nhau làm đêm hoặc mở một cửa hàng nhỏ trong năm 2024.

Làm công việc văn phòng, hai vợ chồng anh Nguyễn Ngọc Minh (28 tuổi, TPHCM) chẳng còn dư bao nhiêu kể cả khi không mất tiền thuê nhà. Đó cũng là lý do vì sao con gái đã vào lớp một nhưng hai vợ chồng anh rất e ngại việc sinh con thứ hai, thậm chí có tư tưởng không sinh thêm.

“Tôi làm nhân viên Marketing còn vợ làm kế toán, thu nhập trung bình khoảng 22 triệu/tháng. Nhưng ở một nơi đắt đỏ như TPHCM, mức thu nhập này chỉ tạm đủ sống chứ không thể nói là dư giả. Mỗi tháng gia đình 3 thành viên chi tiêu hết ít nhất 17 triệu đồng là bình thường” - anh Minh tâm sự.

Theo anh Minh, một tháng riêng tiền sinh hoạt, ăn uống hàng ngày đã tốn kém 7 triệu đồng. “Ở thành phố cái gì cũng phải mua mà giá cực kỳ đắt đỏ chứ không hề rẻ” - anh Minh nói.

Tiền học tập của con gồm học phí và các khoản khác liên quan tối thiểu 3 triệu đồng/tháng. Mỗi tháng, cả gia đình anh Minh đều dành ra 3 triệu để vui chơi, ăn uống, về quê thăm họ hàng. Chi tiêu quần áo, xăng xe, đồ dùng cá nhân cho hai vợ chồng khoảng 4 triệu đồng/tháng.

Một lý do nữa được anh Minh chia sẻ đó là muốn dành thời gian tập trung nuôi dạy con cái cho tốt. Theo nam nhân viên, yếu tố kinh tế chỉ là một phần, điều quan trọng là việc giáo dục con cái. “Sinh con thì dễ nhưng dạy con sao cho ngoan, giỏi giang lại là chuyện khác” - anh Minh tâm sự.

Lý giải kỹ hơn, anh Minh nói hai vợ chồng đều còn khá trẻ nên chưa có nhiều kinh nghiệm cũng như thời gian chăm sóc, giáo dục con cái. Rất nhiều lần con cãi lại cha mẹ, bị cô giáo gọi điện phê bình khiến anh và vợ vô cùng phiền lòng. Vì vậy, anh Minh muốn tập trung nuôi dạy con thật tốt để an tâm cũng như tự hào với mọi người rồi mới tính chuyện sinh thêm bé nữa.

"Dù đề xuất của Bộ Y tế khá nhân văn, thiết thực nhưng tôi vẫn quan trọng việc nuôi dạy cái chất lượng hơn là số lượng" - anh Minh cho hay.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn