MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Việc áp dụng chính sách không mua bán sản lượng điện mặt trời mái nhà là mang tính chất tạm thời để chống trục lợi chính sách, nên cần có quy định về thời gian áp dụng trong khoảng 3 năm. Ảnh: Nguyễn Phú

"Không mua bán điện mặt trời mái nhà" chỉ nên áp dụng trong khoảng 3 năm

Anh Tuấn LDO | 09/06/2024 14:08

Bộ Công Thương cho rằng, việc dùng điện mặt trời mái nhà tự sản tự tiêu là lợi ích và tiện ích cho các tổ chức, cá nhân chứ không phải cho người khác hay Chính phủ. Như vậy, việc này không phải là đầu tư để kinh doanh mà là đầu tư để mua sự tiện ích.

Bộ Công Thương vừa gửi Bộ Tư pháp thẩm định dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu.

Dự thảo cho phép các doanh nghiệp phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu được đấu nối với hệ thống điện quốc gia (để duy trì hoạt động, cung cấp điện khi nguồn điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu không đáp ứng nhu cầu sử dụng), không bán điện vào hệ thống điện, không bán điện cho tổ chức cá nhân khác.

Việc dùng điện mặt trời mái nhà tự sản tự tiêu là lợi ích và tiện ích cho các tổ chức, cá nhân chứ không phải cho người khác hay Chính phủ. Như vậy, việc này không phải là đầu tư để kinh doanh mà là đầu tư để mua sự tiện ích, theo Bộ Công Thương.

Tuy nhiên, TS Nguyễn Anh Tuấn - Phó Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam - cho hay, việc không mua bán với điện mặt trời mái nhà do đang thực hiện tạm thời (có thời hạn) để chống trục lợi chính sách, nên cần có quy định về thời gian áp dụng khoảng 3 năm (từ nay đến năm 2027).

Sau đó cần nghiên cứu các yếu tố về kỹ thuật, tác động về pháp lý, kinh tế - xã hội để giai đoạn sau có quy định giá hợp lý. Khi đó, Nhà nước có thể quy định mức giá cao, thấp hoặc giá âm, tùy thời điểm, tùy khu vực địa lý.

Ông Tuấn cũng kiến nghị có quy định các chính sách hỗ trợ, mang lại các ưu đãi cho các đối tượng cần khuyến khích khi phát triển điện mặt trời mái nhà. Ví dụ như vùng sâu vùng xa, miền núi hải đảo, khu vực có yếu tố thời tiết ít thuận lợi trong khi nhu cầu phụ tải cao, hoặc truyền tải điện khó khăn.

Tại các khu vực địa lý này, có thể cho phép dùng cơ chế bù trừ (net-metering). Quy định mức phát lên lưới không vượt quá 20-30% phụ tải tự tiêu thụ.

Hội đồng khoa học Tạp chí Năng lượng Việt Nam cũng có bài viết bày tỏ về vấn đề này. Theo đó quy định "không thanh toán" là mang tính thận trọng, tạm thời, với quan điểm cho rằng: "Chống trục lợi chính sách trong khi chưa có những kinh nghiệm và thời gian thực tế áp dụng".

Tuy nhiên, nếu kéo dài quy định này sẽ không khuyến khích người dân, doanh nghiệp đầu tư điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu, trong khi Chính phủ còn mong muốn “phấn đấu đến năm 2030 có 50% các tòa nhà công sở và 50% nhà dân sử dụng điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu”, như đã nêu trong Quyết định số 500/QĐ-TTg.

Ngoài ra, kiến nghị trong Nghị định cần có quy định về thời gian ngắn hạn áp dụng việc "không thanh toán" trong giờ thấp điểm trưa, hay "không mua bán" này.

Ví dụ: Giai đoạn không quá 2-3 năm (từ năm 2024-2027). Giai đoạn sau, Nhà nước có thể quy định mức giá hợp lý, có thể cao, thấp, hoặc giá âm, tùy thời điểm, tùy khu vực địa lý, hoặc để tùy thị trường xác định mức giá khi thị trường điện đã chuyển sang giai đoạn vận hành thị trường điện bán lẻ cạnh tranh.

TS Lê Hải Hưng (Đại học Bách khoa Hà Nội) cho hay, Việt Nam có nhiều khu công nghiệp và doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu. Trong đó, có nhiều đối tác yêu cầu sản phẩm phải thân thiện với môi trường, quá trình sản xuất phải tiết kiệm năng lượng, sử dụng năng lượng tái tạo, năng lượng sạch.

“Hiện nay, các doanh nghiệp ngày càng cần nguồn năng lượng tái tạo cho sản xuất. Bởi đây là một trong những yêu cầu bắt buộc để sản phẩm của doanh nghiệp đạt chứng nhận xanh, tăng khả năng cạnh tranh và xuất khẩu qua nhiều nước.

Với sản lượng điện mặt trời mái nhà dư thừa, doanh nghiệp mong được mua lại với giá rẻ (sau giai đoạn không mua bán) để giảm bớt áp lực chi phí, tối ưu nguồn lực đầu tư” - ông Hưng nói.

Chính phủ từng yêu cầu nghiên cứu việc không sử dụng hết bán thế nào?

Hồi tháng 5.2024, Văn phòng Chính phủ đã ban hành thông báo kết luận của Thường trực Chính phủ về vấn đề này và yêu cầu làm rõ nội hàm "tự sản, tự tiêu"; quy định rõ trách nhiệm của các bộ (Xây dựng, Công an, Công Thương…) trong việc quy định các thủ tục về phòng cháy chữa cháy, xây dựng, điều kiện kỹ thuật… để thực hiện được ngay.

Nghiên cứu kỹ và đưa chính sách phải khuyến khích đầu tư cho loại hình sản xuất nguồn điện này. Quy định việc tích điện cụ thể để nguồn tự sản, tự tiêu nhưng sử dụng không hết được bán thế nào? Giá bán trên nguyên tắc nào và nên khuyến khích bán nhưng có điều kiện…

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn