MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Thiết bị, phần mềm ngụy trang dùng để ghi âm, ghi hình, định vị.( Ảnh minh họa, theo Cổng thông tin điện tử Bộ Công An)

Không nên hạn chế sử dụng thiết bị ngụy trang ghi âm, ghi hình

Đỗ Văn Nhân - Kon Tum LDO | 12/04/2017 13:58
Bộ Công an đang lấy ý kiến rộng rãi về dự thảo nghị định quy định điều kiện kinh doanh thiết bị, phần mềm ngụy trang dùng để ghi âm, ghi hình, định vị. Tại khoản 3, Điều 4 dự thảo nghị định đề xuất: “Chỉ cơ quan chuyên trách bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội được sử dụng thiết bị, phần mềm ngụy trang dùng để ghi âm, ghi hình, định vị phục vụ cho hoạt động bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, phòng, chống tội phạm và nhiệm vụ quốc phòng”.
Ngay sau khi dự thảo nghị định được công bố, đã có nhiều ý kiến không đồng tình từ dư luận, bởi việc quy định như dự thảo sẽ ảnh hưởng rất lớn đến việc đấu tranh chống tiêu cực trong xã hội; có thể bỏ lọt tội phạm; không thể xử lý nhiều vụ việc tham nhũng hoặc các hành vi vi phạm pháp luật khác do thiếu chứng cứ.

Việc sử dụng thiết bị, phần mềm ngụy trang dùng để ghi âm, ghi hình, định vị (gọi tắt là thiết bị, phần mềm) phục vụ hoạt động bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội… không chỉ là nhiệm vụ của cơ quan chuyên trách bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội mà còn là của cá nhân, tổ chức và mọi công dân.

Sử dụng thiết bị, phần mềm không chỉ là biện pháp quan trọng để cá nhân, tổ chức tự bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình trước những đối tượng có hành vi phạm tội, mà còn là nguồn chứng cứ quan trọng cung cấp cho cơ quan công an để tiến hành các hoạt động tố tụng theo quy định của pháp luật.

Nếu dự thảo nghị định này có hiệu lực, hơn ai hết các nhà báo sẽ mất đi một công cụ hỗ trợ tác nghiệp hiệu quả; các bài viết về điều tra sẽ không được sử dụng trên các mặt báo vì thiếu chứng cứ chứng minh; nhiều vụ việc tiêu cực sẽ không được làm sáng tỏ, không thể đi đến cùng của sự thật.

Chúng ta phải thừa nhận rằng vai trò của báo chí rất quan trọng trong đời sống xã hội, nó vừa là “món ăn” tinh thần bổ ích, đồng thời cũng là công cụ chống tham nhũng, tiêu cực hiệu quả; nhiều vụ việc tham nhũng, tiêu cực trong xã hội bị phát hiện và xử lý là do báo chí cung cấp các manh mối, chứng cứ quan trọng.

Để làm được điều đó, các nhà báo phải dấn thân vào những ổ nhóm tội phạm nguy hiểm; đóng vai nhiều thành phần trong xã hội và sử dụng thiết bị, phần mềm ngụy trang để ghi âm, ghi hình nhằm thu thập những chứng cứ xác thực; nhiều nhà báo trong quá trình tác nghiệp đã bị đối tượng phạm tội phát hiện, đánh đập, gây thương tích… Nhưng đổi lại các nhà báo có được những nguồn chứng cứ phạm tội để cung cấp cho độc giả và cơ quan tố tụng để xử lý vụ việc, cho nên cần phải khuyến khích các nhà báo sử dụng thiết bị, phần mềm này trong quá trình tác nghiệp.

Chính vì vậy, tôi không đồng tình với nội dung tại khoản 3, Điều 4 dự thảo nghị định nêu trên, bởi vì nó sẽ ảnh hưởng đến việc đấu tranh chống tội phạm; không phát huy vai trò của quần chúng tham gia tố giác tội phạm, gián tiếp sẽ dẫn đến tình trạng gia tăng tội phạm, tiêu cực trong xã hội, nhất là các hành vi tham nhũng sẽ không bị phát giác và xử lý kịp thời.

Theo tôi, dự thảo nghị định cần quy định cụ thể, chi tiết các trường hợp cá nhân, tổ chức được phép sử dụng thiết bị, phần mềm phục vụ cho hoạt động bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, phòng, chống tội phạm; nếu việc sử dụng thiết bị, phần mềm với mục đích đấu tranh chống tiêu cực, bảo vệ lợi ích của nhà nước, tổ chức, cá nhân thì cần khuyến khích sử dụng.

Đồng thời, cá nhân, tổ chức nếu sử dụng thiết bị, phần mềm này sai mục đích với các hành vi như vụ lợi, vu khống, gài bẫy, hãm hại người khác… thì phải bị xử lý theo quy định của pháp luật. Do đó, Bộ công an cần điều chỉnh nội dung quy định trên cho phù hợp nhằm khuyến khích và tạo điều kiện để các cá nhân, tổ chức tham gia tích cực vào công tác đấu tranh chống tội phạm, tiêu cực hiện nay.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn