MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Công ty TNHH đầu tư bất động sản Ngôi Sao Việt thuộc Tập đoàn Tân Hoàng Minh xin rút khỏi thương vụ mua đất Thủ Thiêm. Ảnh: Ngọc Tiến.

Không nên xử lý hình sự việc bỏ cọc đấu giá tài sản

Nam Dương LDO | 29/11/2023 14:14

Thời gian gần đây, nhiều vụ doanh nghiệp, cá nhân tham gia đấu giá tài sản do Nhà nước tổ chức, sau khi trúng đấu giá đã bỏ cọc, khiến việc đấu giá phải tổ chức lại gây bức xúc trong dư luận.

Điển hình như vụ Công ty Bất động sản Ngôi Sao Việt (đơn vị thuộc Tân Hoàng Minh) trực tiếp tham gia đấu giá, sau đó đã bỏ cọc mua quyền sử dụng lô đất tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm (TP Thủ Đức, TPHCM) sau khi đã trúng đấu giá đất lên tới 2,45 tỉ đồng/m2. Hay như vụ một người ở Thanh Hóa đã bỏ cọc sau khi trúng đấu giá biển số đẹp lên tới hàng chục tỉ đồng.

Chính vì thế, mới đây, khi Quốc hội thảo luận về dự án Luật Đấu giá tài sản (sửa đổi), có đại biểu đã đưa ra ý kiến cần phải truy cứu trách nhiệm hình sự đối với các trường hợp bỏ cọc đấu giá sau khi đưa ra số tiền cao gấp nhiều lần giá khởi điểm để có thể trúng đấu giá.

Ngày 29.11, trao đổi với Báo Lao Động, luật sư Nguyễn Văn Hậu – Ủy viên Ban Thường vụ, Chủ nhiệm Cơ quan Truyền thông Liên đoàn Luật sư Việt Nam – cho rằng, việc tham gia đấu giá đều dựa trên ý chí tự nguyện của các đơn vị, cá nhân với tinh thần “thuận mua vừa bán”, nên có thể xác định rõ đây là quan hệ giao dịch dân sự giữa các bên. Những tranh chấp diễn ra từ quá trình mở đấu giá cho đến thanh toán có thể xem là vi phạm thỏa thuận dân sự và chịu sự điều chỉnh của pháp luật dân sự, trong đó Luật Đấu giá tài sản sẽ là quy định điều chỉnh trực tiếp.

Về vấn đề bỏ cọc sau khi trúng đấu giá, trên thực tế không thể loại trừ các trường hợp vì lý do khách quan, như: Doanh nghiệp, cá nhân chịu ảnh hưởng bất ngờ nên mất khả năng thanh toán hoặc thay đổi kế hoạch kinh doanh nên không còn lựa chọn nào khác và bắt buộc phải bỏ cọc. Thậm chí, chỉ là lý do không còn hứng thú với dự án hay tài sản đó nữa cũng có thể bỏ cuộc. Còn việc “quân xanh , quân đỏ” trong đấu giá dư luận cũng từng đề cập tới, nhưng cần có sự chứng minh rõ ràng từ các cơ quan chức năng đối với từng trường hợp cụ thể.

Vì vậy, việc áp dụng phương án truy cứu trách nhiệm hình sự đối với trường hợp bỏ cọc đấu giá sẽ không đảm bảo được quyền lợi của đơn vị, cá nhân tham gia đấu giá, đồng thời tạo nên tâm lý lo sợ, dè dặt khiến cho việc đấu giá sẽ ngày càng ít người tham gia.

Bên cạnh đó, để có thể truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi bất kỳ nào, thì cần phải thỏa mãn các điều kiện về yếu tố cấu thành tội phạm. Theo Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi 2017, hành vi vi phạm trong hoạt động bán đấu giá tài sản được quy định tại Điều 218 về “Tội vi phạm quy định về hoạt động bán đấu giá tài sản”.

Theo đó, một người phải: Lập danh sách khống về người đăng ký mua tài sản bán đấu giá; hoặc lập hồ sơ khống, hồ sơ giả tham gia hoạt động bán đấu giá tài sản; Hoặc thông đồng dìm giá hoặc nâng giá trong hoạt động bán đấu giá tài sản trong đó bắt buộc phải thỏa mãn yếu tố là nhằm thu lợi bất chính từ 30.000.000 đồng trở lên hoặc gây thiệt hại cho người khác từ 50.000.000 đồng trở lên thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm. Mức phạt tù có thể tăng đến 5 năm nếu thu lợi bất chính 200 triệu đồng trở lên hoặc gây thiệt hại cho người khác 300 triệu đồng trở lên…

Luật sư Nguyễn Văn Hậu cho rằng, không nên xử lý hình sự việc bỏ cọc khi tham gia đấu giá tài sản. Ảnh: Đinh Thiện

Như vậy, nếu muốn áp dụng biện pháp xử lý hình sự đối với hành vi bỏ cọc đấu giá thì phải đáp ứng được các nguyên tắc thực hiện của Bộ luật Hình sự, chứng minh hành vi trên đã sử dụng thủ đoạn gian dối để trục lợi bất chính, nhằm chiếm đoạt tài sản hoặc xâm phạm đến quyền lợi của cá nhân, tổ chức, cơ quan nhà nước.

Vì các lý do trên, không nên dùng biện pháp xử lý hình sự để kiểm soát và ngăn chặn tình trạng bỏ cọc đấu giá trong thời gian sắp tới mà cần phải áp dụng các biện pháp thiết thực hơn để cải cách hoạt động đấu giá tài sản.

Theo luật sư Hậu, cần phải có sự phân biệt rõ ràng giữa tiền đặt trước và tiền đặt cọc, bởi theo quy định của Luật Đấu giá tài sản hiện hành, đơn vị, cá nhân tham gia đấu giá sẽ phải nộp tiền đặt trước với tỷ lệ từ 5% đến 20% trên giá khởi điểm, sau khi trúng đấu giá thì tiền đặt trước sẽ tự động chuyển thành tiền đặt cọc để đảm bảo thực hiện việc trúng đấu giá.

“Tôi cho rằng, cần nâng cao tỉ lệ số tiền đặt trước này lên, có thể đến 30%, thậm chí đến 50% giá khởi điểm, để đơn vị, cá nhân tham gia đấu giá phải cân nhắc kỹ khi tham gia đấu giá và ngăn ngừa được tình trạng đưa ra gấp nhiều lần giá khởi điểm để trúng đấu giá sau đó bỏ cọc như vừa qua”, Luật sư Hậu nói.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn