MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Không phải giấy xét nghiệm COVID, ý thức mới thực là giấy thông hành

Lục Tùng LDO | 12/07/2021 19:00

Mấy ngày qua, câu chuyện giấy xét nghiệm COVID-19 đã làm đau đầu cả ngành y tế lẫn người dân và tạo ra không ít quan ngại về tính khoa học, thực tiễn.

Giấy xét nghiệm - chuyện "5 cha 3 mẹ"

Sau khi dịch COVID-19 bùng phát và diễn biến phức tạp, nhiều địa phương ở ĐBSCL đã tăng cường kiểm soát, siết chặt việc đi lại của người dân với mục đích giảm thiểu khả năng lây lan. Và gần như các địa phương xem giấy xét nghiệm COVID-19 (xác định âm tính SARS-CoV-2) như "chìa khóa vạn năng" trong lưu hành.

Thực hiện test nhanh. Ảnh: LT

Chính điều này đã nhanh chóng tạo ra áp lực cho cả ngành y tế lẫn người dân thực hiện. Trong lúc ngành y tế than quá tải nhân lực thì người dân kêu quá tải về tài chính, thời gian.

Ngành y tế quá tải vì cùng lúc vừa điều trị thông thường, vừa phải gánh thêm điều trị, theo dõi bệnh liên quan đến COVID-19 và nhất là đáp ứng nhu cầu xét nghiệm đang tăng lên của của xã hội. Người dân đua nhau đến xét nghiệm, nhưng bản thân họ cũng kêu quá tải về tài chính vì việc quản lý, ứng xử với giấy xét nghiệm đang trong tình trạng "5 cha 3 mẹ", cả về giá lẫn thời hạn.

Xét nghiệm COVID-19. Ảnh: LT

Sự chênh lệch về giá có thể chấp nhận trong bối cảnh thị trường có nhiều loại hóa chất, nhưng khổ nhất là chênh lệch về thời gian áp dụng. Cùng là giấy xét nghiệm do các cơ sở y tế được cơ quan thẩm quyền công nhận, nhưng khi áp dụng thì mỗi nơi mỗi phách. Trong lúc An Giang áp dụng tiêu chí cho giấy xét nghiệm đủ điều kiện qua lại các chốt kiểm soát là 3 ngày gần nhất cho xét nghiệm RT-PCR hoặc 24 giờ đối với test nhanh, thì Đồng Tháp lại áp dụng thời hạn 3 ngày cho kết quả test nhanh kháng nguyên và 5 ngày cho xét nghiệm RT-PCR.

Trong khi đó, tại Kiên Giang chỉ yêu cầu người đến và trở về Kiên Giang phải có giấy xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 không quá 72 giờ...

Ý thức mới là quyết định

Có thể do được giao toàn quyền định đoạt công tác phòng chống COVID-19 trên địa bàn nên mỗi địa phương nỗ lực tìm cách làm để đảm bảo chống dịch an toàn. Nhưng rõ ràng, việc mỗi địa phương tự đưa ra thời hiệu áp dụng cho cùng giấy chứng nhận do cơ sở y tế được cơ quan có thẩm quyền công nhận là khó có thể chấp nhận về mặt khoa học lẫn thực tiễn.

Thực hiện kiểm soát giấy xét nghiệm COVID -19 tại chốt kiểm soát Vàm Cống, An Giang. Ảnh: LT

Bởi theo các nhà chuyên môn, giấy xét nghiệm không phải là thứ vạn năng. Vì có thể ngay sau khi lấy mẫu, người âm tính có thể bị lây nhiễm mầm bệnh. Nói cách khác, giấy xét nghiệm dù bất cứ kiểu test nhanh hay RT-PCR cũng chỉ có ý nghĩa về “quá khứ” mà không có nhiều ý nghĩa trong “tương lai”. Thậm chí còn tạo ra “nguy cơ cao” khi nhiều người chen nhau đến các điểm làm xét nghiệm;, hay sau khi có giấy xét nghiệm dễ tạo ra tâm lý “an tâm” rồi tự do đi lại. Đó là chưa kể đến nguy cơ từ vấn nạn không đi test vẫn có giấy xét nghiệm.

Từ công tác phòng chống dịch COVID-19 những ngày qua tại ĐBSCL cho thấy rất nhiều trường hợp sau khi được xác định âm tính liên tiếp 3 lần thì phát hiện dương tính vào lần xét nghiệm lần thứ 4. Điều này cho thấy, không phải giấy xét nghiệm, mà chính ý thức mới chính là giấy vạn năng trong lưu hành.

Phân luồng giao thông kiểm soát giấy xét nghiệm COVID -19 đã trở thành hình ảnh quen thuộc tại các cửa ngõ ra vào các địa phương vùng ĐBSCL. Ảnh: LT

Đó không chỉ là ý thức luôn đổi mới công tác điều hành của nhà quản lý nhằm hướng hoạt động phòng chống dịch trên địa bàn thích ứng với khoa học, thực tiễn, mà còn là ý thức luôn đổi mới cách khơi gợi ở người dân sự tự nguyện chấp hành, ý thức tuân thủ các quy định phòng chống dịch bệnh thông qua khai báo y tế trung thực, giảm khó khăn trong công tác truy vết, khoanh vùng, gây nguy cơ lớn cho dịch bệnh lan rộng trong cộng đồng...; quan trọng hơn là việc tuân thủ 5K.

Tại An Giang, sau thời gian ra quân, đã phát hiện hơn 17.000 trường hợp vi phạm không đeo khẩu trang theo quy định, với tổng tiền phạt lên đến gần 950 triệu đồng. Vì thế, chỉ cần một người mang mầm bệnh sau khi có giấy xét nghiệm mà “thả cửa” đi lại thì mọi nỗ lực xét nghiệm của ngành y tế, công sức kiểm soát tại các chốt trở nên vô nghĩa.

Vì thế, thay vì áp dụng biện pháp giấy xét nghiệm vừa gây tốn kém tiền của công sức, thời gian của người dân và lực lượng y tế mà hiệu quả phòng chống dịch COVID-19 vẫn còn nguy cơ, liệu đã đến lúc các nhà quản lý địa phương nên hướng đến loại giấy phép ít tốn kém, hiệu quả thiết thực hơn: Ý thức?

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn