MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Người dân lấn chiếm lòng đường họp chợ giữa trung tâm thành phố Vinh. Ảnh: Trần Tuyên

Không thể để người dân lấn chiếm vỉa hè, lòng đường kinh doanh, buôn bán

QUANG ĐẠI LDO | 01/07/2022 11:00

Nghệ An - Một trong những nguyên nhân làm cho thành phố Vinh trở nên ngày càng chật chội, ùn tắc là tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng đường để kinh doanh, buôn bán.

TP Vinh (Nghệ An) ngày càng phát triển, số lượng ôtô tăng lên một cách nhanh chóng, trong khi đường sá, hạ tầng không mở rộng được nhiều. Tình trạng ùn tắc đã diễn ra, và ngày càng có xu hướng tăng lên. Một thời gian không xa nữa, khi giá ôtô giảm, thu nhập người dân tăng, dân số tăng, Vinh sẽ chật kín ôtô và việc đi lại sẽ trở nên mệt mỏi, căng thẳng.

Lãnh đạo tỉnh Nghệ An đã nhìn ra nguy cơ này, và đã có những giải pháp khá quyết liệt và kịp thời, đó là không cho phép mở thêm các khu chung cư cao tầng trong khu vực nội thành Vinh, hạn chế số tầng một số khu chung cư, đề phòng quá tải hệ thống hạ tầng, giao thông. Bên cạnh đó là kế hoạch di chuyển một số cơ quan (trường học, bệnh viện) ra ngoại thành.

Tuy nhiên, một nguyên nhân cơ bản khiến TP Vinh và các đô thị khác trở nên chật chội, ùn tắc, đó là tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng đường để làm nơi đậu xe, buôn bán, kinh doanh. Các hộ gia đình ở mặt tiền đều tranh thủ làm kinh doanh hoặc cho thuê, có những nơi chi chít các ki ốt, chiếm luôn cả lòng đường làm chợ, rất nhếch nhác.

“Thời xe máy” và dân cư còn thưa thì không sao nhưng đến “thời ôtô” thì bắt đầu phát sinh những vấn đề ảnh hưởng nghiêm trọng đến giao thông. Tình trạng này nếu không chấn chỉnh, thì cả TP dần dần sẽ hỗn loạn, tắc cứng.  

Nhận ra vấn đề này, ông Đoàn Ngọc Hải (Phó Chủ tịch UBND quận 1-TPHCM) đã quyết liệt ra tay “dẹp loạn vỉa hè”. Tuy nhiên, ông Hải đã thất bại sau khi thu được một số thành công ban đầu. Sự thất bại của ông Đoàn Ngọc Hải cho thấy nhiều vấn đề bất cập từ hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, quan niệm của cán bộ, công chức, tâm lý, điều kiện kinh tế- mức sống người dân, lợi ích nhóm - cục bộ... còn quá nhiều vướng mắc để có thể xây dựng văn minh đô thị.

Theo các chuyên gia, cốt lõi của vấn đề vẫn là quy hoạch và hành lang pháp lý. Ví dụ quy hoạch khu dân cư, cấp đất ở thì anh chỉ được ở, không được kinh doanh – dịch vụ; anh muốn làm kinh doanh – dịch vụ gì phải đăng ký và được bố trí ở các vị trí theo quy hoạch.

Đường, vỉa hè là chỉ phục vụ giao thông chứ không “tích hợp” bất cứ cái gì cả. Cần tham khảo mô hình quản trị đô thị ở nước ngoài, vì sao họ quản lý tốt, thành phố của họ quy củ, đâu ra đó, gọn gàng, văn minh, mà chúng ta chật vật mãi không làm được.

Thiết nghĩ, nên thay đổi tư duy, quyết liệt trong xây dựng, triển khai quy hoạch. Cần có những giải pháp để thay đổi tâm lí “thích mặt tiền” của cán bộ, người dân.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn