MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Người dân mong muốn có chính sách linh hoạt hơn nữa trong việc chuyển tuyến khám chữa bệnh. Ảnh: Thuỳ Linh.

Không xin được chuyển tuyến, bệnh nhân tự bỏ tiền túi lên Thủ đô khám bệnh

Mạnh Cường LDO | 28/10/2023 20:39

Nằm viện 5 ngày nhưng bệnh tình của con không thuyên giảm, xin chuyển tuyến trên không được, anh Nguyễn Cường (28 tuổi, Nam Định) đã tự xin xuất viện đưa con lên Hà Nội để khám, điều trị.

Theo lời kể của anh Cường, giữa năm 2022, con anh bị sốt, ho khan nặng kéo dài cả tuần không đỡ. Anh đã cho con vào bệnh viện Nhi của tỉnh để thăm khám. Tại đây, các bác sĩ chỉ tiêm một lần một ngày. Sau 5 ngày không thấy bệnh tình của con thuyên giảm, anh đã xin chuyển tuyến trên nhưng không được chấp thuận.

“Bác sĩ trưởng khoa nói rằng mới có 5 ngày, chưa thể chẩn đoán mức độ nghiêm trọng của bệnh để chuyển tuyến, nên để con lại điều trị thêm” - anh Cường nói.

Lý do chính khiến anh Cường quyết định cho con xuất viện sớm đó là bản thân phải ra ngoài mua thuốc về đưa bác sĩ tiêm vì bệnh viện hết loại thuốc chỉ định. Thêm nữa, phòng bệnh 25m2 nhưng chứa đến 8 trẻ kèm phụ huynh, rất chật chội, dễ lây nhiễm chéo.

Ngay sau khi cho con xuất viện, anh Cường đã đưa con lên Bệnh viện Nhi Trung ương (Hà Nội) thăm khám, điều trị hết tổng cộng 12 triệu đồng. Tại đây, Bệnh viện Nhi Trung ương thông báo điều trị nội trú trái tuyến chỉ được hưởng 40% bảo hiểm y tế, nếu chuyển tuyến đúng quy định sẽ được hưởng 100% (con dưới 6 tuổi). Như vậy, anh Cường vẫn phải trả 60% còn lại, tương ứng 7,2 triệu đồng.

“Nhiều bệnh viện tuyến tỉnh hiện nay cơ sở, năng lực khám chữa bệnh vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của người bệnh. Vậy tại sao không tạo điều kiện tốt nhất để bệnh nhân được chuyển tuyến dễ dàng?” - anh Cường chia sẻ.

Tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV khai mạc ngày 23.10.2023, cử tri đã kiến nghị hủy bỏ thủ tục giấy chuyển tuyến khi tham gia khám chữa bệnh. Kiến nghị này được đại đa số người dân đồng tình.

Chị Lê Thị Tâm (28 tuổi, Thanh Hóa) chia sẻ, bây giờ vào bệnh viện, phòng nào cũng được liên kết với nhau không phải cầm theo giấy tờ như trước. Nhưng tại sao chuyển từ tuyến huyện lên tuyến tỉnh lại có thủ tục rườm rà?

Theo chị Tâm, để được coi là khám đúng tuyến, hưởng nhiều nhất quyền lợi của bảo hiểm y tế, chị phải nhờ người nhà về nhà lấy giấy chuyển tuyến để nộp lại cho bệnh viện tỉnh. Khoảng cách 42km một chiều khiến người nhà chị đi lại vô cùng vất vả.

“Hồ sơ bệnh án, giấy chuyển tuyến đã được lưu trữ hết bằng file mềm, có chữ ký của bệnh nhân trước đó, tại sao không gửi online cho bệnh viện tuyến trên. Như vậy rất tiện lợi cho bệnh nhân và người nhà. Đi viện đã khổ rồi mà còn thêm thủ tục rườm rà càng thấy khổ hơn” - chị Tâm nói.

Một lần khác, chị Tâm bị viêm phổi khá nặng, đến khám ở bệnh viện đa khoa tỉnh, chị có xin chuyển tuyến nhưng bác sĩ yêu cầu nhập viện điều trị trước. Sau 7 ngày không có dấu hiệu thuyên giảm, bệnh viện mới đồng ý cho chị Tâm chuyển lên tuyến trên. Như vậy, chị Tâm phải tốn 2 lần chi phí điều trị ở 2 nơi bệnh viện tỉnh và bệnh viện Trung ương.

Cả anh Cường, chị Tâm đều mong muốn Bộ Y tế có chính sách linh hoạt hơn nữa trong việc chuyển tuyến. Không nên lấy lý do điều trị ở cơ sở trước hoặc tuyến trên quá tải để làm khó người dân khi có nhu cầu.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn