MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Theo quy định, sản phẩm động vật vận chuyển khỏi địa bàn tỉnh phải có giấy chứng nhận kiểm dịch. Ảnh minh họa.

Không yêu cầu kiểm dịch lại sản phẩm động vật do… COVID-19?

QUANG ĐẠI LDO | 10/07/2021 07:32

Về nguyên nhân không áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả buộc kiểm dịch lại đối với sản phẩm động vật, lãnh đạo Phòng NNPTNT Diễn Châu đưa ra nhiều lý do, trong đó có dịch bệnh COVID-19.

Ngày 21.6.2021, ông Phan Xuân Vinh – Phó Chủ tịch UBND huyện Diễn Châu (Nghệ An) ký quyết định 1781 xử phạt vi phạm hành chính 7 triệu đồng đối với ông Trần Thanh Luyện (trú Hương Sơn-Hà Tĩnh) về hành vi “Vận chuyển sản phẩm động vật (2.300kg da trâu) ra khỏi địa bàn cấp tỉnh mà không có giấy chứng nhận kiểm dịch”.

UBND huyện Diễn Châu xử phạt hành chính hành vi “Vận chuyển sản phẩm động vật ra khỏi địa bàn cấp tỉnh không có giấy chứng nhận kiểm dịch” nhưng không áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả. Ảnh: QĐ

Căn cứ để xử phạt hành vi nói trên là khoản 3, điều 17, Nghị định 90/2017 “quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y”. Cũng trong quy định tại khoản 5, điều 17 Nghị định nói trên, biện pháp khắc phục hậu quả là “Buộc kiểm dịch lại động vật, sản phẩm động vật đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 3 Điều này”.

Tuy nhiên, trong quyết định xử phạt vi phạm hành chính số 1781 nói trên, UBND huyện Diễn Châu không áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả, nghĩa là lô hàng nói trên không phải kiểm dịch lại.

Ngày 9.7, được Chánh Văn phòng UBND huyện Diễn Châu giới thiệu, phóng viên trao đổi với ông Lê Thế Hiếu-Trưởng Phòng NNPTNT huyện Diễn Châu, đề nghị giải thích vì sao không áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả đối với hành vi của ông Trần Thanh Luyện như trên.

Ông Hiếu đưa ra nhiều lý do như ông Luyện đã xuất trình bổ sung giấy kiểm dịch cho phép đưa sản phẩm từ Hà Nội vào Diễn Châu, sau đó ông Luyện không chở hàng vào Quảng Bình nữa… Ông Hiếu còn đưa ra lý do là thời điểm đó do TP. Vinh đang cách ly xã hội theo Chỉ thị 16 nên việc gửi mẫu vào để kiểm dịch là khó khăn, tốn kém…

Phóng viên đề nghị nêu ra văn bản nào hướng dẫn, quy định không áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả đối với hành vi nêu trên, ông Lê Thế Hiếu không dẫn ra văn bản nhưng vẫn khẳng định là đã làm đúng.

Về việc xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi “Vận chuyển sản phẩm động vật ra khỏi địa bàn cấp tỉnh mà không có giấy chứng nhận kiểm dịch”, ông Ngô Đức Quỳnh – Chi cục Phó Chi cục Chăn nuôi-Thú y tỉnh Nghệ An cho biết theo quy định phải áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là buộc kiểm dịch lại.

“Nếu kiểm dịch đạt thì cho vận chuyển bình thường, nếu không đạt thì có biện pháp xử lý tiếp theo. Đó là quy định của Nghị định 90/2017, không có trường hợp ngoại lệ, không có hướng dẫn khác” – ông Ngô Đức Quỳnh khẳng định.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn