MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Cây tràm do người dân trồng 20 năm tuổi có đường kính lớn nằm trong diện tích sẽ bị khai thác để lấy đất giao cho doanh nghiệp làm dự án. Ảnh: Hưng Thơ.

Khuất tất thu hồi rừng phòng hộ ở Quảng Trị: Sơ suất và chưa chuẩn?

HƯNG THƠ LDO | 15/02/2022 17:15

Quảng Trị - Chính quyền sẽ rà soát hồ sơ liên quan đến việc thu hồi rừng phòng hộ và đánh giá lại trữ lượng rừng để đảm bảo quyền lợi cho người dân ở thôn Lệ Xuyên, xã Triệu Trạch, huyện Triệu Phong.

Ông Lê Văn Mẫn – Chủ tịch UBND xã Triệu Trạch cho biết, trước phản ứng của người dân liên quan đến việc thanh lý rừng phòng hộ để lấy đất giao cho Công ty Đầu tư và phát triển Tâm Xanh thực hiện dự án đầu tư trang trại trồng và phát triển vùng nguyên liệu Tràm Năm Gân, đến thời điểm này, dự án vẫn đang bị đình chỉ.

Nhiều cây tràm có đường kính lớn đã bị doanh nghiệp khai thác, vận chuyển đi tiêu thụ, nay chỉ còn trơ gốc. Ảnh: Hưng Thơ.

Quá trình rà soát lại hồ sơ liên quan đến 19,8ha rừng và đất rừng phòng hộ sẽ thu hồi, giao cho doanh nghiệp, ông Mẫn cho biết trong diện tích trên có 2 loại rừng: rừng 773 trồng năm 1994 và rừng 661 trồng năm 2002. Vậy tại sao trong hồ sơ gửi Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Trị, UBND xã Triệu Trạch khẳng định chỉ có 1 loại rừng trồng năm 2001? – phóng viên đặt câu hỏi.

Ông Mẫn trả lời rằng: “Do hồ sơ thất lạc, xã sơ suất, không xem kỹ, nên có sự nhầm lẫn. Khi người dân phản ứng, báo chí thông tin thì xã mới lục tìm các hồ sơ có từ lâu, mới xác định lại”.

Phần nhánh của một cây tràm hoa vàng lớn. Dù cây rừng được trồng hơn 20 năm, nhưng cơ quan chức năng đánh giá đường kính cây lớn nhất chỉ 8,6cm. Ảnh: Hưng Thơ.

Liên quan đến quá trình đánh giá trữ lượng gỗ ở diện tích 9,6ha có cây rừng, dù cây trồng là tràm hoa vàng có tuổi thọ trên dưới 20 năm, nhưng cây có đường kính trung bình lớn nhất chỉ 8,6cm. Trước câu hỏi: Việc đánh giá trữ lượng gỗ để thanh lý có đúng với thực tế?, ông Mẫn thông tin xã đã lập đoàn đi kiểm tra, đánh giá lại. “Có 1 số cây to, phần nhiều cây nhỏ, nhưng đường kính trung bình lớn nhất chỉ 8,6cm là chưa chuẩn” – ông Mẫn, cho hay.

Một gốc cây tràm lớn đã bị cưa phần ngọn. Ảnh: Hưng Thơ.

Với những “sơ suất” và “chưa chuẩn” nói trên, UBND xã Triệu Trạch sẽ liên hệ với UBND huyện Triệu Phong để tìm lại hồ sơ rừng 773 để xem quy định quá trình thực hiện trồng rừng, người dân sẽ được hưởng lợi như thế nào. “Nếu quy định cho dân hưởng, thì chúng tôi làm lại hồ sơ để cho người dân hưởng.

Trữ lượng gỗ cũng sẽ được đánh giá lại. Với số lượng cây đã bị khai thác, nếu thiệt hại cho người dân, nhưng doanh nghiệp không đồng ý đền bù, thì tôi sẽ chịu trách nhiệm” – ông Mẫn, khẳng định.

Theo ông Mẫn, trước mắt xã sẽ tổ chức họp dân để nói rõ những “sơ suất” của xã, và xem kiến nghị của người dân để kịp thời tháo gỡ.

Một số cây tràm đã bị khai thác được đưa về bảo quản ở sân UBND xã Triệu Trạch. Ảnh: Hưng Thơ.

Trước đó, như báo Lao Động có bài viết "Dân phản ứng, địa phương tạm dừng việc khai thác rừng để lấy đất làm dự án", "Khuất tất trong việc thu hồi rừng phòng hộ tại Quảng Trị" - thông tin, tháng 6.2020, Công ty Đầu tư và phát triển Tâm Xanh lập hồ sơ đề xuất dự án đầu tư trang trại trồng và phát triển vùng nguyên liệu Tràm Năm Gân tại tiểu khu 791T, 792 thuộc rừng phòng hộ xã Triệu Trạch với diện tích 19,8ha. Trong diện tích 19,8ha, có 9,6ha có rừng, được xác định trồng năm 2001 theo dự án 661.

Qua nhiều thủ tục, diện tích rừng phòng hộ nói trên được chuyển sang rừng sản xuất. Từ đó, UBND xã Triệu Trạch được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Trị chấp thuận cho lập hồ sơ khai thác rừng trên diện tích đã chuyển đổi để giao đất cho doanh nghiệp thực hiện dự án. Tuy nhiên, khi doanh nghiệp tiến hành khai thác cây thì người dân ở thôn Lệ Xuyên phản ứng, ngăn cản việc cưa cắt cây vì cho rằng diện tích cây rừng được người dân ở thôn trồng vào năm 1996 theo dự án 773; đặc biệt, rừng có nhiều cây đường kính lớn, nhưng cơ quan chức năng đánh giá trữ lượng thấp, nên chỉ được bán với giá 50 triệu đồng.

Trước sự phản ứng của người dân, chính quyền đề nghị doanh nghiệp dừng việc khai thác cây, và tổ chức họp dân, nhưng vẫn chưa đi đến thống nhất vì nhiều câu hỏi chưa được giải đáp.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn