MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Cấp cứu bệnh nhân tai nạn giao thông tại Bệnh viện Việt - Đức (Hà Nội) - (ảnh:ĐT/LĐO).

Kiểm soát nồng độ cồn gắt gao, sao người chết vì TNGT vẫn chưa giảm nhiều?

Thế Lâm LDO | 30/01/2020 19:34

7 ngày nghỉ Tết Nguyên đán 2020 từ 29 tháng Chạp đến hết Mùng 5 (tức từ ngày 23-29.1) trên cả nước xảy ra 198 vụ tai nạn giao thông (TNGT) khiến 133 người chết, 174 người bị thương. Theo cơ quan chức năng, TNGT giảm cả ba tiêu chí đều giảm lần lượt 10% về số vụ, 5% số người chết và 17% số người bị thương…

Tuy nhiên, sự giảm hay tăng còn do cách chúng ta chọn quãng thời gian để tính.

Đơn cử, nếu chúng ta chọn quãng thời gian  từ 29 tháng Chạp đến hết ngày Mùng 3 (từ 23-27.1), thì tuy số vụ TNGT và số người bị thương đều giảm nhưng số người chết vì TNGT trong 5 ngày nghỉ Tết Canh Tý 2020 lại tăng khá cao, đến hơn 12% so với cùng kì năm trước.

Còn nếu chọn quãng thời gian là 6 ngày nghỉ Tết, từ 29 tháng Chạp đến hết ngày Mùng 4 (23-28.1) thì tiêu chí số người chết vẫn tăng so với cùng kì Tết năm 2019 đến 7,96%...

Những con số trên cho thấy, hai tiêu chí về số vụ TNGT và số người bị thương đã có chiều hướng giảm ổn định theo từng ngày trong dịp nghỉ Tết Canh Tý vừa qua, song với tiêu chí số người tử vong thì chưa, không những giảm chưa ổn định mà tùy theo ngày còn có xu hướng tăng mạnh.

Trong khi đó, các số liệu về những vụ vi phạm về nồng độ cồn bị xử lí và đặc biệt là số vụ TNGT liên quan tới nồng độ cồn và số vụ nhập viện cấp cứu liên quan tới nồng độ cồn cho thấy giảm mạnh. Cụ thể, tại nhiều bệnh viện, số vụ nhập viện cấp cứu vì bị TNGT liên quan đến nồng độ cồn giảm đến 5 lần (như Bệnh viện Việt Đức, Hà Nội), hay thậm chí không có vụ cấp cứu nào liên quan tới nồng độ cồn trong dịp nghỉ Tết.

Từ khi Nghị định 100/NĐ-CP qui định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông có hiệu lực, tình trạng lái xe sau khi uống bia rượu đã giảm rất rõ rệt. Thậm chí, ngành sản xuất và kinh doanh bia rượu còn rơi vào thế khó là doanh số giảm sâu đến 25%. Các siêu thị, cửa hàng kinh doanh rượu bia và quán nhậu dịp áp Tết Canh Tý thậm chí vắng vẻ.

Có thể khẳng định rằng, việc kiểm soát về nồng độ cồn trong giao thông đã và đang diễn ra khá gắt gao và bước đầu đã mang lại hiệu quả nhất định. Tuy nhiên nếu so sánh sự cải thiện tích cực này với số người chết vì TNGT trong dịp nghỉ Tết vừa qua giảm chưa đáng kể (hay nói cách khác là thậm chí còn tăng mạnh trong một số ngày), có lẽ phải giải ngay câu hỏi dưới đây:

Kiểm soát nồng độ cồn gắt gao, vì sao người chết vì TNGT vẫn chưa giảm nhiều?

Theo số liệu từ Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, nguyên nhân tai nạn do lái xe vi phạm nồng độ cồn trong dịp nghỉ Tết vừa qua chỉ chiếm 2%, trong khi số vụ TNGT do lấn đường chiếm 18%, chạy quá tốc độ chiếm 6,8%... Các vụ TNGT  xảy ra từ buổi tối đến sáng hôm sau chiếm 46%.

Người điều khiển phương tiện lưu thông đã có ý thức hơn, hạn chế tình trạng lái xe sau khi sử dụng rượu bia (ảnh:PK).

Như vậy, cho dù số vụ TNGT có nguyên nhân lái xe vi phạm nồng độ cồn giảm nhưng số vụ TNGT do những nguyên nhân khác lại tăng. Bên cạnh đó, số vụ TNGT xảy ra trong khoảng thời gian từ tối hôm trước đến sáng hôm sau vốn là lúc đường sá tương đối vắng vẻ người điều khiển phương tiện rất dễ phóng nhanh vượt ẩu, không chấp hành các qui định về an toàn giao thông nên dẫn đến tai nạn.

Mặt khác, từ đêm về sáng là quãng thời gian lưu thông trong ánh sáng yếu và thiếu, người điều khiểm giao thông nếu không có ý thức thận trọng cũng rất dễ xảy ra tai nạn.

Như vậy, nguyên nhân lớn nhất nằm ở nhận thức và ý thức người điều khiển phương tiện. Từ nhận thức rõ để chấp hành nghiêm các qui định của pháp luật đi đến ý thức cao trong khi lưu thông sẽ chi phối đến người điều khiển phương tiện từ vấn đề tránh vi phạm nồng độ cồn cũng như chấp hành các qui định về an toàn và luật lệ giao thông.v.v…

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn