MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Lực lượng chức năng Thừa Thiên Huế siết chặt kiểm tra, cân tải trọng các phương tiện qua địa bàn đoạn Km0+400 đường tránh Huế. Ảnh: CTV.

Kiểm soát từ gốc, đoàn xe quá tải từ Huế ra Quảng Trị hết cửa lộng hành

NHÓM PHÓNG VIÊN LDO | 25/04/2021 11:43

Sau phản ánh của Báo Lao Động về tình trạng về đoàn xe quá tải chở than được "thả" cho chạy rầm rập từ tỉnh Thừa Thiên Huế ra tỉnh Quảng Trị, lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế và tỉnh Quảng Trị đã chỉ đạo các đơn vị liên quan đồng loạt kiểm tra, xử lý nghiêm.

Kiểm soát chặt từ cảng Chân Mây

Ông Nguyễn Văn Thành - Chi cục trưởng Chi cục Hải quan Cửa khẩu cảng Chân Mây cho hay, sau phản ánh của Báo Lao Động, lực lượng hải quan ở cảng đã siết chặt việc kiểm soát tải trọng trước khi tiến hành kẹp chì cho các xe rời cảng. Ngoài việc đối chiếu tải trọng của doanh nghiệp và tải trọng từ cảng đưa lên, cơ quan hải quan đã tự kiểm tra trọng tải xe một cách độc lập.

Quá trình kiểm tra, nếu số liệu 3 bên (hải quan - cảng Chân Mây - doanh nghiệp) trùng khớp, đúng với tải trọng được phép vận chuyển, lúc đó hải quan mới tiến hành kẹp chì cho đi. “Trường hợp có xe quá tải nào dù chỉ 100kg, chúng tôi vẫn kiên quyết yêu cầu hạ tải theo đúng quy định mới làm các thủ tục”- ông Thành nhấn mạnh.

Ông Hồ Hữu Khoa - Giám đốc cung ứng dịch vụ cảng Chân Mây cũng nói rằng, sau loạt bài của Báo Lao Động, đơn vị đã kiên quyết chấn chỉnh những sơ suất trong việc quản lí trọng tải của các xe ra vào cảng.

“Sau khi nhận được phản ánh, chúng tôi đã tăng cường phối hợp với các cơ quan ban ngành trong công tác kiểm soát tải trọng. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp để triển khai vấn đề này; đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động các đơn vị khách hàng chấp hành nghiêm công tác tải trọng theo quy định” - ông Khoa nói.

Lực lượng chức năng siết chặt vấn đề tải trọng xe ngay từ đường chính vào cảng Chân Mây. Ảnh: CTV.

Hiện tại, việc kiểm soát tải trọng không chỉ chặt chẽ ở cảng Chân Mây (nơi đoàn xe chở than xuất phát mà chúng tôi đã đề cập ở những bài trước), mà trên Quốc lộ 1A, lực lượng CSGT Công an tỉnh Thừa Thiên Huế cũng lập nhiều trạm để kiểm soát.

Đại úy Trần Hải Dương - Trạm trưởng Trạm CSGT Phú Lộc (Phòng CSGT Công an Thừa Thiên Huế) cho biết, đơn vị đã dốc toàn lực, ngày đêm tuần tra, kiểm tra trên dọc tuyến Quốc lộ 1A mà đơn vị có thẩm quyền xử lí. Ngoài việc tuần tra, đơn vị này đã phối hợp với lực lượng thanh tra giao thông thường xuyên đặt các trạm cân nhằm kiểm soát việc các xe vận tải quá tải trọng.

Cơ quan chức năng quyết liệt, đoàn xe hết quá tải

Ông Lê Đức Tiến - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị thừa nhận, thời gian gần đây, trên các tuyến Quốc lộ 1A, tuyến Quốc lộ 9 qua tỉnh Quảng Trị, các vi phạm về tải trọng xe có biểu hiện phức tạp, gây bức xúc trong nhân dân.

Đặc biệt, tai nạn giao thông tăng cao trên Quốc lộ 9 gây mất trật tự an toàn giao thông và hư hỏng kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ.

“Đoàn xe quá tải chở than mà Báo Lao Động thông tin qua các bài viết là một dẫn chứng. Hiện, tôi đã ký văn bản về việc tăng cường thực hiện nhiệm vụ kiểm soát, xử lý xe quá tải gửi các đơn vị liên quan”- ông Lê Đức Tiến, nói.

Không chỉ đoàn xe chở than quá tải mà Báo Lao Động đã phản ánh, mà tất cả các phương tiện vận tải lưu thông trên địa bàn sẽ được hai tỉnh Thừa Thiên Huế và Quảng Trị kiểm soát chặt chẽ. Ảnh: CTV.

Theo đó, để kiềm chế, giảm thiểu tai nạn giao thông, đồng thời thực hiện các giải pháp kiểm soát tải trọng phương tiện, UBND tỉnh Quảng Trị yêu cầu Công an tỉnh Quảng Trị chỉ đạo lực lượng cảnh sát giao thông tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm đối với hành vi vi phạm chở hàng hóa quá tải trọng. Phát hiện, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm về chở hàng quá tải trọng.

Về phía Sở Giao thông Vận tải tỉnh, sẽ chỉ đạo lực lượng thanh tra giao thông tổ chức kiểm tra, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với các hành vi vi phạm về tải trọng phương tiện, nhất là vi phạm về kích thước thùng xe tại nơi xuất phát hoặc gần khu vực kho, bến cảng, bến bãi, mỏ vật liệu, nơi tập kết hàng hóa lên xe ô tô... Đồng thời, phối hợp với các đơn vị chức năng liên quan nghiên cứu đề xuất vị trí phù hợp để đặt trạm cân tải trọng xe lưu động trên Quốc lộ 9. "UBND tỉnh Quảng Trị cũng yêu cầu Cục Hải quan tỉnh không giải quyết thủ tục thông quan nhập cảnh, thủ tục kẹp chì đối với trường hợp xe ô tô chở hàng hóa vượt quá tải trọng thiết kế của xe theo quy định" - ông Lê Đức Tiến, nhấn mạnh.

Với sự vào cuộc quyết liệt của cơ quan chức năng 2 tỉnh Quảng Trị và Thừa Thiên Huế, từ ngày 15.4 đến nay, riêng các xe ôtô trong đoàn xe chở than xuất phát từ cảng Chân Mây tuyệt nhiên không có chiếc nào vi phạm tải trọng. Trước khi Báo Lao Động có bài viết, nhiều xe ôtô trong đoàn xe chở than có chiếc chở hơn 80 tấn, trung bình hơn 50 tấn. Còn nay, qua theo dõi, mỗi chiếc chỉ chở trên dưới 30 tấn hàng.

Ngày 25.3, Báo Lao Động khởi đăng loạt bài “Đoàn xe quá tải nghiêm trọng chạy rầm rập từ Huế ra Quảng Trị”, thông tin về đoàn xe quá tải hơn 50 chiếc chở than quá cảnh xuất phát từ cảng Chân Mây đến Cửa khẩu Quốc tế Lao Bảo để đưa sang Lào. Dù rất nhiều xe vi phạm tải trọng rất nghiêm trọng, nhưng trong một thời gian dài không bị bất kỳ đơn vị nào xử lý. Sau khi báo đăng, đoàn xe chở đúng tải được một thời gian, rồi tiếp tục chở quá tải và được “thả” cho chạy. Ngày 15.4, Báo Lao Động tiếp tục có bài viết, thì việc kiểm soát tải trọng mới được các cơ quan chức năng triển khai quyết liệt.


Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn