MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Học sinh đã quen với việc học trực tuyến nhưng việc thi trực tuyến khiến không ít người lo lắng. Ảnh: TT

Kiểm tra cuối học kỳ bằng hình thức trực tuyến: Người ủng hộ, người lo lắng

THUỲ TRANG LDO | 04/05/2021 10:41

Học trực tuyến đã trở nên quen thuộc với học sinh, phụ huynh và thầy cô giáo cả nước sau hơn 1 năm sống chung với dịch COVID-19. Thế nhưng, nay Bộ Giáo dục và Đào tạo đề cập đến việc các trường có thể chủ động lên phương án thi cuối học kỳ II bằng hình thức trực tuyến khiến không ít người lo lắng.

Ngày 4.5, hàng vạn học sinh tại nhiều tỉnh thành trên cả nước như Hà Nội, TP.Đà Nẵng, Yên Bái, Quảng Nam… buộc phải kéo dài kỳ nghỉ lễ 30.4-1.5 do xuất hiện nhiều ca mắc COVID-19 trong cộng đồng.

Đáng chú ý, đây là thời điểm nhiều cấp học bước vào kỳ thi cuối năm. Chị Nguyễn Thị Thu - phụ huynh học sinh trường Tiểu học Nguyễn Tri Phương, TP.Đà Nẵng - cho biết: “Theo đúng lịch, sau kỳ nghỉ lễ, con tôi sẽ thi cuối học kỳ II thì nay các con phải nghỉ học vì dịch bệnh. Chúng tôi vừa lo vừa thương các con học hành cả năm giờ phải hoãn thi, không biết bao giờ mới học xong năm học”.

Trong khi đó, nghe bàn về việc các trường có thể cho học sinh thi bằng hình thức trực tuyến, chị Thu lo ngại: “Với học sinh các cấp lớn, việc thi trực tuyến có thể dễ dàng hơn bởi các em có nhiều kiến thức về tin học, sử dụng máy tính, điện thoại thuần thục. Còn với học sinh tiểu học, việc thi trực tuyến chắc chắn phải có sự hỗ trợ của ba mẹ. Điều này có thể dẫn đến việc ba mẹ thi hộ con, vậy có ổn không? Nếu thi trực tuyến, nhà trường cần tính toán kỹ lưỡng để đảm bảo sự công bằng, tiện lợi cho học sinh, phụ huynh”.

Trong khi đó, thầy Đinh Hoà - Giáo viên trường THPT Trần Phú, TP.Đà Nẵng - lại ủng hộ việc thi trực tuyến. Thầy Hoà cho rằng, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã công nhận hình thức dạy học trực tuyến nên kiểm tra trực tuyến cuối kỳ là khả thi. Các địa phương, các trường cần lưu ý cách ra đề, kỹ thuật hỗ trợ việc làm bài, nộp bài để đảm bảo kết quả đánh giá năng lực học sinh một cách chính xác, trung thực, khách quan.

Thầy Hoà cũng nhìn nhận, việc phải để học sinh thi trực tuyến là điều không ai mong muốn nhưng việc học và thi trực tuyến đã được học sinh, thầy cô giáo làm quen từ năm ngoái nên nếu có triển khai cũng không có gì bất ngờ.

Ở các môn trắc nghiệm, các cơ sở giáo dục có thể sử dụng phần mềm xáo ngân hàng đề và cung cấp tài khoản, giới hạn thời gian làm và nộp bài của thí sinh.

Các môn tự luận như môn Ngữ văn chẳng hạn, thầy Hoà cho rằng, nên ra những đề yêu cầu học sinh có năng lực tư duy, sáng tạo, đồng thời cho phép các em tham khảo tài liệu nhưng phải chuyển tải kiến thức theo đúng yêu cầu của đề.

Ở những nơi có học sinh gặp khó khăn về hạ tầng kỹ thuật như không có điện thoại, laptop, internet... nhà trường nên hỗ trợ bằng cách mở phòng tin học cho các em sử dụng để làm bài kiểm tra, song song đó là đảm bảo các quy định về phòng chống dịch.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn