MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nhà nước cùng tham gia đóng bảo hiểm xã hội sẽ đảm bảo quyền lợi tốt hơn cho người lao động. Ảnh minh hoạ: Minh Hương

Kiến nghị được hỗ trợ mức đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc

Mạnh Cường LDO | 18/11/2023 19:06

Liên quan đến vấn đề 13 Hiệp hội doanh nghiệp kiến nghị giảm mức đóng bảo hiểm xã hội hiện từ 32% xuống còn 24%, nhiều chủ doanh nghiệp và người lao động đã đề xuất thêm Nhà nước nên có hỗ trợ một phần mức đóng.

Chị Phạm Thu Trà (36 tuổi) - tổ trưởng chuyền may tại Khu công nghiệp Thăng Long (Đông Anh, Hà Nội) - cho biết, nhà nước nên hỗ trợ đóng mức 8% còn lại. Như vậy, vừa đảm bảo quyền lợi cho người lao động vừa giúp hệ thống an sinh xã hội thêm thiết thực.

Theo chị Trà, mức đóng bảo hiểm xã hội hiện tại của người lao động và doanh nghiệp khá cao. Với người lao động làm việc theo chế độ thời gian, mới vào công ty, sau khi trừ bảo hiểm xã hội, thu nhập còn không nhiều.

“Chuyền may của tôi có một công nhân vào đúng dịp ít việc nên thu nhập còn 5,4 triệu đồng/tháng bao gồm lương cơ bản và chuyên cần, xăng xe. Không có tiền tăng ca, phụ cấp cơm ca hai, phụ cấp thâm niên. Trừ bảo hiểm xã hội gần 500.000 đồng/tháng, thu nhập chỉ còn 4,9 triệu đồng, không đủ nuôi 2 con nhỏ khi mọi thứ ngày càng đắt đỏ” - chị Trà chia sẻ.

Bên cạnh đó, chị Trà cho rằng, Nhà nước nên tham gia hỗ trợ mức đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động và người sử dụng lao động.

Anh Nguyễn Văn Tuấn - chủ doanh nghiệp tại Nam Định - chia sẻ, bản thân anh phải tính toán rất kỹ các chi phí để đảm bảo có lợi nhuận ổn định. Nếu mức đóng bảo hiểm xã hội quá cao, công ty sẽ hạn chế việc tuyển dụng khiến cơ hội việc làm với người lao động ngày càng hạn hẹp.

“Doanh nghiệp tôi phải gồng gánh rất nhiều chi phí từ nhân công, nguyên vật liệu đến điện, nước, các loại thuế, bảo hiểm xã hội. Mức đóng bảo hiểm xã hội cao, nhất là những khi ít việc có thể khiến doanh nghiệp bị ảnh hưởng nghiêm trọng dẫn đến không có khả năng đóng, nợ bảo hiểm xã hội” - anh Tuấn nói.

Để giảm chi phí, thay vì tuyển nhiều công nhân, anh Tuấn yêu cầu công nhân tăng ca đến giới hạn cho phép. Bên cạnh đó, anh Tuấn cũng thường xuyên tuyển công nhân thời vụ bên ngoài vì đối tượng này không phải đóng bảo hiểm xã hội.

Theo anh Tuấn, Nhà nước tham gia cùng đóng bảo hiểm xã hội với doanh nghiệp và người lao động chắc chắn sẽ giúp hệ thống an sinh xã hội vững chắc hơn. “Cả doanh nghiệp, người lao động đều giảm chi phí trong khi mức hưởng các quyền lợi không đổi sẽ khiến người lao động ủng hộ và tham gia bảo hiểm xã hội lâu dài” - anh Tuấn nói.

Bên cạnh đó, anh Tuấn cũng khẳng định, khi mức đóng được hỗ trợ, doanh nghiệp anh sẽ hạn chế được các chi phí từ đó tăng lợi nhuận để phát triển kinh tế đất nước.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn