MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ảnh minh hoạ: Hoàng Vũ.

Kiến nghị giảm sâu tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xuống 70

LƯƠNG HẠNH LDO | 01/08/2023 19:02

Bên cạnh những ý kiến đồng tình với đề xuất giảm tuổi hưởng trợ cấp hưu trí từ 80 xuống 75, nhiều bạn đọc kiến nghị cần giảm sâu hơn nữa để người già "chạm" tới loại trợ cấp này, cụ thể là 70 tuổi.

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã có báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến của thường trực Chính phủ và thành viên Chính phủ tại cuộc họp về dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi).

Về ý kiến thống nhất giảm độ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội xuống, có thể thấp hơn nữa, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết thống nhất với Văn phòng Chính phủ về quan điểm cần phải điều chỉnh giảm độ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội.

Việc thay đổi trên phù hợp với định hướng của nghị quyết 28 của trung ương về "điều chỉnh giảm dần độ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội phù hợp với khả năng của ngân sách".

Thời gian tới, khi điều kiện phát triển kinh tế - xã hội và khả năng của ngân sách nhà nước cho phép, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cùng với Bộ Tài chính và các bộ, ngành liên quan sẽ tiếp tục nghiên cứu, đánh giá để đề xuất việc tiếp tục giảm độ tuổi.

Việc này cũng nhằm vừa mở rộng đối tượng hưởng trợ cấp hưu trí xã hội, đồng thời vẫn khuyến khích được người dân tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện.

Trước đó, cơ quan soạn thảo đề xuất điều chỉnh giảm dần độ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội từ đủ 75 tuổi trở lên mà không có lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng khác, thì sẽ được hưởng trợ cấp hưu trí xã hội do ngân sách nhà nước đảm bảo.

Khi đạt các điều kiện trên, người cao tuổi sẽ được ngân sách nhà nước trợ cấp hằng tháng, với mức 500.000 đồng/người/tháng (thay vì mức 360.000 đồng/người/tháng hiện hành).

Cho rằng đây là đề xuất rất nhân văn, bạn đọc Đinh Hoàng viết: "500 ngàn đồng là không nhiều so với người có thu nhập cao và ổn định. Nhưng đó là "chiếc phao", là điểm tựa cho người nghèo, người già không có thu nhập, nhất là ở vùng nông thôn. Số tiền đó sẽ giúp đỡ họ, cũng là một dạng kích cầu, thúc đẩy sản xuất và lưu thông hàng hóa".

"Người Việt đang già trước khi giàu, tức là không có tích lũy khi về già. Tỉ lệ người già có lương hưu quá thấp, đại đa số là trông chờ vào sự chăm sóc của con cháu, trong khi đó con, cháu có cuộc sống chưa hẳn đã hết khó khăn vì đồng lương thấp. Tôi hy vọng Nhà nước tiếp tục giảm độ tuổi nhận trợ cấp hưu trí xã hội" - bạn đọc Hoàng Lan cho hay.

Trong khi đó, bạn đọc Vũ Phương bày tỏ: "Tôi cho rằng các cơ quan soạn thảo nên giảm độ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí từ 80 xuống 70 tuổi. Nếu ngân sách Nhà nước eo hẹp thì trợ cấp mỗi người ít hơn, 300 ngàn đồng/người/tháng cũng hợp lí. Mục đích quan trọng nhất là giúp những người già, không có lương hưu, không có tích luỹ, thật sự cùng đường, kiệt sức có bát cơm với rau hàng ngày".

Còn bạn đọc Nguyễn Đinh cho rằng: "Cần giảm độ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí hiện nay xuống 70. Mức trở cấp phải bằng hoặc cao hơn mức lương tối thiểu, hoặc lương hưu tối thiểu nếu lương nào cao hơn".

"Đi lên từ một nước nông nghiệp nên tỉ lệ người già ở Việt Nam không có lương hưu hiện nay rất lớn, nhất là vùng nông thôn. Việc điều chỉnh này có ý nghĩa, giúp họ giảm bớt khó khăn trong cuộc sống. Tăng phúc lợi xã hội cũng là xu hướng tất yếu của một Quốc gia đang ngày một phát triển văn minh" - bạn đọc giấu tên bày tỏ.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn