MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Kiến thức trong sách Lịch sử và Địa lý 6: Sách nào đúng?

Nguyễn Văn Lực - (Trường THCS Trịnh Phong, Diên Khánh, Khánh Hòa) LDO | 10/12/2021 11:33

Phần kiến thức địa lý trong sách Lịch sử và Địa lý lớp 6, sách Cánh Diều (Nhà xuất bản Đại học Sư phạm) và sách Chân trời sáng tạo (Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam) có một số thông tin cần được thống nhất để thầy cô và học sinh hiểu đầy đủ chính xác hơn.

Sách giáo khoa Lịch sử và Địa Lý, Cánh Diều

Bài 11: Các dạng địa hình chính, khoáng sản (trang 145) có ghi: Cao nguyên là vùng rộng lớn, địa hình tương đối bằng phẳng hoặc lượn sóng, có độ cao từ 500 đến 1.000 mét so với mực nước biển. Trong mục, phân loại khoáng sản theo thành phần và công dụng có ghi rõ: Nhiên liệu (dầu mỏ, khí tự nhiên, than đá, than nâu,...).

Bài 19. Biển và Đại dương. Một số đặc điểm của môi trường biển. Mục Biển và Đai dương thế giới (trang 170) có ghi: Có bốn đại dương chính là: Thái Bình Dương, Ấn Độ Dương, Đại Tây Dương và Bắc Băng Dương.

Sách giáo khoa Lich sử và Địa lý, Chân trời sáng tạo

Bài 10: Quá trình nội sinh và ngoại sinh. Các dạng địa hình chính, Khoáng sản. Bảng 10.1. (trang 146). Đặc điểm một số dạng địa hình chính ghi: Cao nguyên độ cao trên 500m so với mực nước biển. Phần III. Khoáng sản (trang 147) ghi: khoáng sản được chia thành ba loại: khoáng sản năng lượng (than đá, dầu mỏ,…).

Bài 18: Biển và Đại Dương (trang 173) có ghi: Theo đề xuất của Tổ chức Thủy văn quốc tế thì Trái Đất bao gồm năm đại dương. Sự “xuất hiện” thêm đại dương thứ năm - Nam Đại Dương (Nam Băng Dương)…

Như vậy những thông tin trong hai bộ sách giáo khoa nói trên đã được Bộ trưởng Bộ GDĐT phê duyệt sử dụng trong cơ sở giáo dục phổ thông thì thông tin, kiến thức nào là chính xác, tránh việc học sinh hiểu sai hoặc không đầy đủ?

Theo cô Nguyễn Thụy Hoàng Vy, giáo viên địa lý Trường THCS Trịnh Phong (Khánh Hòa): Về cao nguyên, kiến thức đúng là “Cao nguyên là vùng rộng lớn, địa hình tương đối bằng phẳng hoặc lượn sóng, có độ cao từ 500 mét trở lên so với mực nước biển” (không phải có độ cao từ 500 mét đến 1.000 mét). Thực tế, cao nguyên Lang Biang, cao nguyên Đồng Văn ở nước ta có độ cao trên 1.400 -1.600 mét; trên thế giới có Cao nguyên Tây Tạng (Trung Quốc) cao 4.500 mét.

Như vậy Cao nguyên là vùng rộng lớn, địa hình tương đối bằng phẳng hoặc lượn sóng, có độ cao từ 500 đến 1000 mét so với mực nước biển (Cánh Diều) là chưa chính xác.

Về khái niệm than đá và than nâu là hai loại than khác nhau (Cánh Diều). Thực tế, than đá là tên gọi chung của: than antraxit, than gầy, than mỡ, than nâu, than bùn do thành phần cacbon khác nhau nên tên gọi khác nhau.

Vậy than đá, than nâu chỉ là một loại không nên phân biệt làm hai loại khác nhau, dẫn đến học sinh sẽ hiểu than đá và than nâu là khác nhau là sai.

Về Biển và Dại Dương, Hiệp hội Địa lý quốc gia Mỹ thực hiện việc vẽ bản đồ thế giới lần đầu tiên vào năm 1915. Từ đó đến nay, 4 đại dương được công nhận và xác định bởi những lục địa xung quanh Đại Tây Dương, Thái Bình Dương, Ấn Độ Dương và Bắc Băng Dương.

Ngày 8.6.2021, ngày Đại dương thế giới, Ủy ban Chính sách bản đồ của Hiệp hội Địa lý quốc gia Mỹ đã công nhận, đồng ý đặt tên cho đại dương mới là Nam Đại Dương, bởi giới khoa học và truyền thông sử dụng thuật ngữ này ngày càng nhiều hơn. Vậy cần có cập nhật bổ sung thêm Nam Đại Dương (năm Đại Dương).

Sách giáo khoa là tài liệu giúp thầy cô và học sinh khai thác kiến thức để dạy - học… nên cần có sự chính xác về thông tin, kiến thức. Rất mong được sự đóng góp thêm của quý thầy cô để sách ngày càng hoàn thiện hơn!

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn